Hiệu quả xã hội hóa hệ thống đèn đường nông thôn
Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chiếu sáng đường giao thông nông thôn, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Quản Bạ đã tích cực thực hiện xã hội hóa việc lắp đặt hệ thống đèn đường tại các tuyến đường phố ở trung tâm thị trấn và các trục đường thôn, bản tại các xã. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các làng quê.
Có mặt tại thôn Nà Sài, xã Đông Hà, mới thấy được không khí phấn khởi của bà con nơi đây khi có đèn đường thắp sáng. Thực hiện công trình “Thắp sáng đường làng”, 155 hộ dân trong thôn đóng góp 150 triệu đồng mua 77 cột, bóng đèn cao áp để lắp tại các trục đường liên thôn, liên xóm. Ông Hà Tâm, thôn Nà Sài, tâm sự: “Thôn chúng tôi có đèn đường được hơn 1 năm nay rồi, từ khi có đèn đường, cuộc sống của người dân nông thôn chúng tôi cũng sáng sủa hẳn ra. Giờ đây bà con đi đường vào buổi tối cảm thấy yên tâm hơn do đường sáng, không phải vừa đi vừa dò đường như ngày trước nữa. Tình trạng mất trật tự công cộng, trộm cắp tài sản cũng giảm hẳn”.
Đến xã Cán Tỷ là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa lắp đèn đường chiếu sáng. Từ năm 2020 đến nay, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân thực hiện xã hội để đầu tư lắp đèn đường. Theo đó, mỗi gia đình đóng góp ít nhất 500 nghìn đồng để mua các thiết bị lắp đèn đường. Các công việc như: Dựng cột đèn, kéo dây và lắp bóng đều do nhân dân góp công. Đến nay, 3/8 thôn của xã Cán Tỷ hoàn thành công trình điện chiếu sáng với kinh phí gần 300 triệu đồng. Trong đó, cán bộ xã đóng góp trên 40 triệu đồng để lắp đặt các cột điện. Chị Hạng Thị Thủy, thôn Đầu Cầu II, chia sẻ: “Từ ngày thôn có bóng điện cao áp chiếu sáng vào buổi tối, chúng tôi cảm thấy cuộc sống tiện nghi lên nhiều. Bây giờ người dân đi ra đường buổi tối không phải dùng đèn pin nữa, không sợ trộm cắp như trước kia. Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thể yên tâm ngồi chơi trước cửa nhà, đi từ nhà này sang nhà kia. Bên cạnh đó, nhân dân các thôn tự góp tiền để trả tiền điện hàng tháng chỉ với gần 300 nghìn đồng/thôn, tính ra trung bình mỗi nhà chỉ tốn 20 nghìn đồng/tháng”.
Với hiệu quả của chương trình “thắp sáng đường làng”, huyện Quản Bạ đã khuyến khích các xã, thị trấn và người dân nhân rộng mô hình này ra toàn huyện. Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân cùng đóng góp tiền, công lao động để lắp đèn đường. Vì vậy, dù mới triển khai thực hiện nhưng chương trình đã được đông đảo nhân dân đồng lòng hưởng ứng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha, cho biết: “Từ năm 2020, khi thực hiện công trình thắp sáng đèn đường nông thôn để chào mừng đại hội Đảng các cấp có hiệu quả. Đến đầu năm nay huyện có chủ trương triển khai nhân rộng ra toàn huyện và được nhân dân tích cực hưởng ứng. Hiện tại có trên 700 cột đèn đã được lắp đặt tại các thôn, bản, với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, góp phần vào đảm bảo an ninh, trật tự ở vùng nông thôn”. Ánh đèn đường không những xua tan bóng tối, xua đi những tệ nạn xã hội mà còn khẳng định sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quản Bạ trong việc chung sức, đồng lòng xây dựng Nông thôn mới.