Hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 35% dân số của tỉnh. Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang phát huy hiệu quả, đưa đời sống người dân ngày càng phát triển...
Mới đây, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đây là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số thứ 2 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với tỷ lệ dân tộc Khmer chiếm 47,8%, dân tộc Hoa chiếm 3,2%, còn lại là dân tộc Kinh, chiếm 49% dân số.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành Trương Quốc Điền cho biết, Châu Thành có tổng diện tích tự nhiên hơn 23.000 ha; trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 88%. Huyện có 7 xã, 1 thị trấn với 56 ấp. Tổng dân số toàn huyện khoảng 119.000 người.
Từ mức chỉ đạt 4,57 tiêu chí, 100% các xã đều là xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, chất lượng cuộc sống người dân chưa bảo đảm, qua 16 năm xây dựng và phát triển, kinh tế xã hội của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ năm 2010 đến cuối năm 2023, Châu Thành đã huy động được hơn 2.448 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Huyện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân năm 2023 đạt 152 triệu đồng/ha, tăng 55 triệu đồng so với năm 2015 và tăng 60 triệu đồng so với năm 2010.
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng khá với tốc độ tăng bình quân hơn 10%/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2023 của huyện giảm chỉ còn 1,71%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gần 61 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 lần so với năm 2010.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng về nông nghiệp - nông thôn - nông dân.
Chương trình được các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng quyết liệt tham gia, nhân dân đồng thuận cao, tích cực thực hiện.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23/12/2021 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đây là “kim chỉ nam” cho sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, bám sát định hướng “toàn diện, nâng cao và bền vững” trong xây dựng nông thôn mới, luôn xác định xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp trọng tâm cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đánh giá, phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2024 tiếp tục được thực hiện rộng khắp, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần huy động tối đa các nguồn lực, sự đồng thuận, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội đưa tỉnh Sóc Trăng hoàn thành đạt và vượt mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024. Trong đó, có sự nỗ lực tham gia rất nhiệt tình, hiệu quả của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số lượng xã được công nhận đạt chuẩn các năm qua có sự tăng tốc đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 101% so với chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đến năm 2025, hoàn thành sớm một năm so với lộ trình đề ra.
Toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 91% so với chỉ tiêu Nghị quyết; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm: Thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, huyện Cù Lao Dung.
Mới đây, huyện Châu Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã giúp tỉnh Sóc Trăng chính thức đạt 100% chỉ tiêu Trung ương giao về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Mẫu cho biết, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách trên địa bàn tỉnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2024 đã triển khai thực hiện hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo đó, đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 249 hộ, nhà ở cho 1.923 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 958 hộ; xây dựng 4 công trình nước tập trung với 1.536 hộ thụ hưởng; triển khai hơn 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; xây dựng 171 công trình cầu bê tông nông thôn, đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ; duy tu bảo dưỡng hơn 50 công trình cơ sở hạ tầng, trường học...
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn...
Từ đó, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, phát huy tốt khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2024 đạt hơn 7%, GRDP bình quân đầu người hơn 61 triệu đồng/người/năm.
Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2024 giảm 1%, giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer 2%.
Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2029 có 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô-tô đến trung tâm xã được nâng cấp trải nhựa hoặc bê-tông hóa; 100% đường giao thông khóm, ấp đến trung tâm xã được cứng hóa đạt chuẩn theo quy định; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 77,5% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe nhìn.
Hằng năm, có 100% người lao động dân tộc thiểu số có nhu cầu được đào tạo nghề, trong đó có ít nhất 30% là lao động nữ. Tỷ lệ được tạo việc làm sau học nghề cho người lao động đạt từ 85% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào mỗi năm giảm từ 2%-3%. Cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng đồng bào đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...