Hiểu rõ sức mạnh truyền thông để xây dựng chiến lược, thúc đẩy phát triển bền vững

Hội thảo Chuyên đề 'Sức mạnh truyền thông trong xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững' đã diễn ra thành công trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế lần thứ 18 (ITE HCM 2024), thu hút hơn 300 người tham dự.

Theo đó, sự kiện được tổ chức bởi Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam (VNPR) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) vào ngày 6/9/2024, với sự góp mặt của đại diện từ nhiều tổ chức và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực du lịch, quan hệ công chúng và truyền thông.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Với năm chủ đề tham luận cùng hai phần tọa đàm sâu sắc, sự kiện đã mang đến những góc nhìn, kiến thức chuyên sâu về truyền thông, tập trung vào vai trò then chốt của truyền thông trong việc thúc đẩy phát triển bền vững đa ngành, đặc biệt đối với lĩnh vực du lịch.

Mở đầu Phiên số 1 “Truyền thông để thúc đẩy du lịch bền vững - Kiến tạo tương lai”; đại diện Optimum Hospitality đã nhấn mạnh du lịch bền vững không chỉ thúc đẩy trách nhiệm ngành du lịch mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ di sản văn hóa.

Tuy nhiên, với các thách thức từ sự cạnh tranh gay gắt, việc “tẩy xanh” hay thiếu nhận thức đúng đắn thì việc tận dụng mạng xã hội, xây dựng câu chuyện truyền cảm hứng, hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan và tận dụng công cụ đo lường hiệu quả sẽ là yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, nhằm định hướng cụ thể giúp du khách hiểu được ý nghĩa của du lịch bền vững đối với môi trường, đại diện Rustic Hospitality Group đã giới thiệu các mô hình du lịch giáo dục, sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng với truyền thông hiệu quả là chìa khóa để nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động bền vững.

Trong phiên tọa đàm đầu tiên, các diễn giả đã chỉ ra những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp du lịch cần chú ý để phát triển trong bối cảnh đầy cơ hội và thách thức của du lịch Việt Nam. Đặc biệt, truyền thông bền vững được nhấn mạnh sẽ không chỉ giúp xây dựng hình ảnh bền vững cho ngành công nghiệp không khói trọng điểm của quốc gia, mà còn góp phần khuyến khích hành động có trách nhiệm.

Tiếp nối Phiên số 2 “Xây dựng chiến lược truyền thông ESG - Bài học và thực tiễn cho đa ngành”, đại diện từ Đại học RMIT Việt Nam nêu rõ ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) đã trở thành những yếu tố quan trọng để khẳng định các cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện đại. Theo đó, để đạt hiệu quả truyền thông ESG tối ưu, các doanh nghiệp sẽ cần xác định đúng đối tượng mục tiêu, đúng nội dung, sử dụng các kênh truyền thông phù hợp, lắng nghe phản hồi và thường xuyên theo dõi, đánh giá hiệu quả.

(Từ trái qua phải) Bà Lê Mai Anh, ông Lê Trương Hiền Hòa, ông John Gardner, ông Nguyễn Ngọc Bích và ông Lê Đại Hải trong phiên tọa đàm đầu tiên về Truyền thông bền vững - Sức bật cho du lịch Việt Nam

(Từ trái qua phải) Bà Lê Mai Anh, ông Lê Trương Hiền Hòa, ông John Gardner, ông Nguyễn Ngọc Bích và ông Lê Đại Hải trong phiên tọa đàm đầu tiên về Truyền thông bền vững - Sức bật cho du lịch Việt Nam

Bên cạnh đó, nắm chắc phương pháp và công cụ hiệu quả trong việc truyền thông ESG cũng là câu chuyện được nhiều người hướng tới. Đứng trước vấn đề này, đại diện PRO Việt Nam đã chỉ ra rằng có bốn phương pháp truyền thông cốt lõi gồm tập trung mục tiêu và đối tượng; tiếp cận thường xuyên và liên tục; chủ động nhất quán và trung thực; kết nối chia sẻ và học hỏi. Để tối ưu hóa các phương pháp trên, doanh nghiệp có thể tận dụng các công cụ gồm thiết lập kết nối chặt chẽ với báo chí, tham gia hội thảo chuyên ngành hay tổ chức các sự kiện có giá trị thiết thực.

Một chủ đề khác cũng rất được quan tâm tại Hội thảo đó là về tái chế bao bì và sản phẩm nhựa. Đại diện DUYTAN Recycling đã có phần chia sẻ về khái niệm “nền kinh tế tuần hoàn” - một xu hướng phát triển tất yếu của toàn thế giới nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững bao trùm, với mô hình 3R - Reduce (Giảm thiểu), Reuse (Tái sử dụng) và Recycle (Tái chế) nhằm đạt được hiệu quả tích cực trong việc chuyển đổi và tối ưu hóa tài nguyên.

Đến với phần tọa đàm thứ hai, các chuyên gia đã làm rõ cách mà truyền thông không chỉ phản ánh những cam kết bền vững của doanh nghiệp mà còn định hướng họ vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội. Xây dựng chiến lược hiệu quả, sử dụng công cụ truyền thông phù hợp đến từng đối tượng khác nhau và trau dồi không ngừng sẽ là hướng đi đúng đắn để tạo dựng và duy trì các giá trị, hình ảnh, niềm tin của cộng đồng đối với các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Khoa Mỹ - Chủ tịch VNPR chia sẻ: “VNPR và các tổ chức, hiệp hội ngành nghề liên quan đã và đang góp chung tiếng nói, sử dụng kỹ năng chuyên môn về kết nối cộng đồng để tận dụng sức mạnh truyền thông nhằm thúc đẩy các mục tiêu quan trọng mà cả xã hội đang hướng tới, trong đó bao gồm phát triển du lịch bền vững”.

Chia sẻ từ ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: “TP.HCM đa dạng về thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, con người năng động, sáng tạo và đang trên đà hướng tới trở thành một thành phố đổi mới sáng tạo. Với những điểm thu hút này, chúng ta có thể cộng hưởng với các đơn vị truyền thông trong và ngoài nước để cùng chung tay quảng bá, ngày càng nâng cao hình ảnh thành phố cũng như đất nước trong ấn tượng của bạn bè quốc tế”.

Bích Ngọc

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/hieu-ro-suc-manh-truyen-thong-de-xay-dung-chien-luoc-thuc-day-phat-trien-ben-vung-313190.html