Hiệu suất quỹ đầu tư phân hóa mạnh trong nửa đầu năm 2025

Hiệu suất đầu tư của các quỹ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm tài sản, với diễn biến trái chiều giữa cổ phiếu, cân bằng và trái phiếu. Mặc dù phần lớn các quỹ cổ phiếu kém hiệu quả hơn thị trường, dòng tiền đã bắt đầu có dấu hiệu quay lại, đặc biệt ở nhóm trái phiếu và một số quỹ ngoại.

Hiệu suất quỹ mở phân hóa trong nửa đầu năm 2025

Hiệu suất quỹ đầu tư phân hóa

Trong nửa đầu năm 2025, theo báo cáo của FiinGroup, hiệu suất trung bình của các nhóm quỹ đầu tư tại Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh bối cảnh thị trường nhiều biến động, đặc biệt trong quý đầu năm. Nhóm quỹ cổ phiếu chỉ đạt hiệu suất trung bình 0,8%, thấp hơn nhiều so với mức 13,1% của cùng kỳ 2024 và kém hơn so với chỉ số VN-Index (+8,6%) và VN30 (+9,9%), cho thấy phần lớn các quỹ hoạt động dưới mức thị trường. Nhóm quỹ cân bằng đạt hiệu suất 1,8%, giảm từ 5,4%. Trong khi đó, nhóm quỹ trái phiếu giữ được sự ổn định, đạt hiệu suất 2,8%, gần tương đương với năm trước và cao hơn lãi suất tiết kiệm (2,3%).

Mặc dù kết quả chung không tích cực, một số quỹ cổ phiếu vẫn ghi nhận hiệu suất cao trong tháng 6. Các quỹ mở như PYN Elite, VEOF, VESAF cùng các quỹ đóng VEIL và VNH tăng trưởng tốt hơn nhóm ETF, trái ngược với xu hướng tháng trước.

Tuy nhiên, so với tháng 5, có đến 61/71 quỹ cổ phiếu suy giảm hiệu suất. Dẫn đầu là PYN Elite với mức tăng 9,08%, trong đó tăng trưởng NAV/ccq đạt 5,24%, còn lại nhờ tỷ giá VND/EUR tăng. Các cổ phiếu chủ lực như STB (+14,7%) và OCB (+10,4%) đóng góp đáng kể vào kết quả tích cực này.

Nhóm quỹ cân bằng ghi nhận diễn biến phân hóa mạnh trong tháng 6. Quỹ Cân bằng PVcom dẫn đầu với mức tăng 16,9%, đồng thời đạt hiệu suất 6 tháng cao nhất (+6,9%). Các quỹ còn lại ghi nhận mức tăng khiêm tốn từ 1–4%.

Lũy kế 6 tháng, chỉ 16/63 quỹ cổ phiếu có hiệu suất vượt cùng kỳ, chủ yếu là các quỹ thụ động nước ngoài như VanEck Vietnam ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF, được hưởng lợi từ đà tăng tỷ giá VND/USD.

Ngược lại, các quỹ nội vẫn chưa bắt kịp mức tăng của năm trước do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường trong quý I và đợt điều chỉnh tháng 4 khi VN-Index giảm 6,2% bởi lo ngại về rủi ro thuế quan.

Áp lực thị trường khiến dòng vốn tiếp tục rút ròng mạnh khỏi nhóm quỹ cổ phiếu trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, đầu tháng 7 đã xuất hiện tín hiệu tích cực từ dòng tiền ngoại quay trở lại, với một số quỹ như VanEck Vietnam ETF và ETF DCVFMVN DIAMOND ghi nhận dòng vốn vào.

Trong tháng 6, nhóm quỹ trái phiếu giữ vững sự ổn định với hiệu suất bình quân +0,5%, không thay đổi so với tháng trước. Quỹ Trái phiếu Dòng tiền Linh hoạt MB (MBAM) dẫn đầu với hiệu suất +0,8% – mức cao nhất trong 10 tháng, nhờ danh mục tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp như BAF và DNSE. Ngược lại, quỹ trái phiếu Techcom (TCBF) là quỹ duy nhất có hiệu suất âm (-0,05%) do khoản lỗ chưa thực hiện hơn 76 tỷ đồng từ trái phiếu NVL và VIC.

Lũy kế 6 tháng, TCBF đạt hiệu suất +2,8%, thấp hơn nhiều so với mức +7,8% của cùng kỳ năm ngoái. Trong số 23 quỹ trái phiếu, chỉ 6 quỹ có hiệu suất vượt năm trước, nhưng 20/23 quỹ vẫn đem lại lợi suất danh nghĩa cao hơn lãi tiết kiệm, dù lợi thế bị thu hẹp sau khi tính thuế và chi phí.

Dòng tiền trở lại quỹ trái phiếu

Tính đến cuối tháng 6, tổng giá trị rút ròng từ các quỹ đầu tư đạt hơn 12,5 nghìn tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Riêng quý II ghi nhận 6,8 nghìn tỷ đồng bị rút, chủ yếu từ nhóm quỹ cổ phiếu. Trong tháng 6, giá trị rút ròng là 1,82 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng 5, đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp các quỹ bị rút vốn.

Dòng tiền rút mạnh nhất nằm ở nhóm ETF và quỹ đóng. ETF Fubon FTSE Vietnam ghi nhận giá trị rút ròng lớn nhất (+458 tỷ đồng), tiếp theo là DCVFMVN30, Xtrackers FTSE Vietnam và DCVFMVN Diamond. Các quỹ đóng như VEIL và VOF tiếp tục bị rút vốn với tổng giá trị khoảng 800 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, dòng tiền vào nhóm quỹ trái phiếu vẫn ở mức cân bằng, trái ngược với xu hướng vào ròng mạnh của cùng kỳ năm ngoái (+5,9 nghìn tỷ đồng), chủ yếu do đảo chiều tại quỹ TCBF. Dẫu vậy, trong tháng 6 và đầu tháng 7, TCBF bắt đầu ghi nhận dòng vốn vào ròng trở lại, với tổng cộng hơn 400 tỷ đồng.

Nhóm quỹ mở ghi nhận mức rút ròng giảm nhẹ (-26%) so với tháng 5, chủ yếu từ PYN Elite và DCDS. Riêng PYN Elite bán mạnh cổ phiếu STB, trong khi tăng tỷ trọng ở OCB, MBB, VCI, VIX, MWG và HVN. Lũy kế 6 tháng, nhóm quỹ cổ phiếu bị rút ròng hơn 12,7 nghìn tỷ đồng, trong đó các ETF ngoại như Fubon, VanEck và ETF nội của Dragon Capital chiếm tới 63% tổng giá trị.

Tuy nhiên, mức rút ròng của ETF đã giảm 63% so với cùng kỳ 2024, phản ánh xu hướng cải thiện. Dòng tiền ở nhóm quỹ mở đảo chiều từ vào ròng 4,8 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu 2024 sang rút ròng gần 900 tỷ đồng do áp lực từ các quỹ ngoại. Các quỹ đóng tiếp tục duy trì trạng thái âm vốn, đặc biệt là VEIL và VOF.

Một điểm sáng trong tháng 6 là dòng tiền quay lại nhóm quỹ trái phiếu với tổng giá trị vào ròng 510 tỷ đồng sau 3 tháng bị rút. Quỹ DCIP đóng góp chính với 152 tỷ đồng nhờ danh mục tập trung vào tiền mặt và trái phiếu của Masan, BAF.

Tâm lý thị trường phần nào được cải thiện trong nhóm quỹ cổ phiếu khi 25/34 quỹ mở giảm tỷ trọng tiền mặt trong tháng 6, tăng so với mức 19/35 quỹ của tháng trước. Các quỹ như VESAF và VMEEF đẩy mạnh giải ngân sau khi tăng dự phòng tháng trước. VFMVSF và DCDS cũng hạ tiền mặt tháng thứ ba liên tiếp, cho thấy chiến lược giải ngân đang lan rộng.

Cổ phiếu HPG dẫn đầu danh sách mua ròng theo khối lượng, được 56 quỹ mua vào, đặc biệt là VanEck Vietnam ETF do được tăng tỷ trọng trong rổ MarketVector. Ngoài HPG, các cổ phiếu ngân hàng như OCB, MBB và CTG cũng được mua mạnh, nhờ kỳ vọng vào Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sắp có hiệu lực.

Ở chiều ngược lại, VIC và VHM bị bán ròng đáng kể, chủ yếu do cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ngoại. Nhóm ngân hàng lớn cũng bị giảm tỷ trọng, dẫn đầu là STB – chủ yếu từ động thái chốt lời của PYN Elite và các quỹ mở khác.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hieu-suat-quy-dau-tu-phan-hoa-manh-trong-nua-dau-nam-2025-180155.html