Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam
Trong nửa đầu năm 2025, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam với giá trị 1,1 tỷ USD, tăng mạnh tới 45% so với cùng kỳ.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, nửa đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 905 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Xét theo từng tháng, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong tháng 3, tháng 4 và đặc biệt là tháng 5/2025 với mức tăng 61% so với cùng kỳ. Đây là tháng có kim ngạch cao nhất trong nửa đầu năm, đạt hơn 234 triệu USD. Tuy nhiên, sang tháng 6, xuất khẩu lại giảm mạnh gần 18% so với cùng kỳ, chỉ còn 131 triệu USD.

Ba nhóm sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra và cá ngừ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, với tổng giá trị 6 tháng đầu năm đạt hơn 700 triệu USD, chiếm 77% tổng kim ngạch. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 341 triệu USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra ghi nhận mức tăng trưởng ổn định hơn, đạt 175 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng gần 10%. Đối với cá ngừ, kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt gần 184 triệu USD, tăng 6,5%.
Vasep cho biết, Mỹ từng là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong nhiều năm, hiện chiếm 17% thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam với giá trị 1,1 tỷ USD, tăng mạnh tới 45% so với cùng kỳ.
Những thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, ký kết hợp đồng và giao hàng của các doanh nghiệp cả ở Mỹ lẫn các nước xuất khẩu.
Với ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn bởi mùa vụ và chi phí logistics như thủy sản, tình trạng bất ổn thương mại sẽ càng làm tăng rủi ro tài chính và kéo theo những hệ lụy dây chuyền từ vùng nuôi, chế biến đến vận tải và thanh toán.
Bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Vasep đánh giá, trước một trật tự thương mại mới đang hình thành nhiều bất ngờ và khó dự đoán, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chủ động tái cấu trúc chiến lược.
Thứ nhất là đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ; mở rộng thị phần ở các thị trường có hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EU, Hàn Quốc...
Thứ hai là tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu chi phí phát sinh và rủi ro logistics.
Thứ ba là chú trọng minh bạch truy xuất nguồn gốc và xuất xứ nguyên liệu. Đây là yếu tố then chốt trong bối cảnh các chính sách thuế đối ứng ngày càng gắn chặt với tiêu chí về nguồn gốc hàng hóa. Cần đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu được giám sát chặt chẽ, có hồ sơ đầy đủ để chứng minh xuất xứ hợp pháp, không có yếu tố “lẩn tránh thuế” hoặc “chuyển tải bất hợp pháp” (transshipment).
Thứ tư là ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số từ truy xuất nguồn gốc điện tử đến quản trị đơn hàng thông minh, nhằm tăng khả năng phản ứng nhanh với biến động chính sách và thị trường.