Hiểu thế nào cho đúng về quyền lực cứng?

Quyền lực được hiểu chính xác ở đây theo nghĩa khả năng gây ảnh hưởng, tác động đến hành vi, làm thay đổi tư duy, quyết định của người khác.

Quyền lực cứng được hình thành chủ yếu từ khả năng làm chủ các lĩnh vực công nghệ, tài chính và quy mô tổ chức lẫn khả năng điều động binh tướng quân sự. Quyền lực cứng là để khẳng định trọng lực của bản thân, sức mạnh của chính mình trong tương quan lực lượng với các đối thủ, đối phương và đối tượng liên quan. Nói cách khác, quyền lực cứng là làm cho người khác phải sợ mà theo, chí ít là không dám so sánh, đối đầu với mình.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Udemy Blog.

Ảnh minh họa. Nguồn: Udemy Blog.

Quyền lực mềm khởi sinh từ hấp lực văn hóa, sự lôi cuốn của phương thức tư duy, lối sống; cũng như tính mới lạ, năng động, nhạy bén, gợi mở của phong cách sinh hoạt, sáng tạo nghệ thuật. Tóm gọn, quyền lực mềm là thuyết phục, và cả mê hoặc người khác thích mình, thấy hân hoan, vui sướng với mình, thậm chí tôn vinh sùng bái mình, và cao nhất là chỉ mình mình mà thôi.

Cô đọng thế này: quyền lực cứng nhằm tạo cho người khác ấn tượng thấy sợ sệt, luôn luôn cảm thấy dưới cơ mình, chẳng bao giờ bằng được mình. Quyền lực mềm là mang đến cho người khác cảm tưởng sung sướng, nhất là chỉ với mình mà thôi. Cả hai quyền lực cứng và mềm ấy đều rất cao khi ta chưa cần sờ đến người khác mà chỉ cần thấy ta là họ đã vừa sợ sệt vừa sung sướng đến thất điên bát đảo, hồn xiêu phách lạc, tâm tê thần liệt... Có được hai quyền lực ấy đồng thời thì quả là chuyên nghiệp đến mức thực sự là... đỉnh của đỉnh.

Tuy nhiên, phải nhận định rằng hai loại quyền lực ấy không chỉ đến từ sự khẳng định của chủ thể mà còn phải được chấp thuận, thậm chí là đòi hỏi bởi phía khách thể. Khung cảnh quen thuộc nhất là người tự tôn và kẻ tự ti đối đãi với nhau: khi đã tin rằng nó văn minh, giàu sang, quý phái hơn ta thì ta sẵn sàng cúi mình, khom lưng khụy gối mà tung hô nó.

Hẳn vì vậy mà ngày nay, hễ nghe bất cứ hô hào rình rang nào về “công dân toàn cầu”, thì người người rạo rực, nhà nhà đua đòi nhào ra... biển lớn, bất chấp đã sửa soạn, sẵn sàng thế nào rồi. (Cũng mặc kệ luôn về lịch sử hình thành của thể loại gọi là công dân toàn cầu, vốn bành trướng từ việc tranh giành chất xám giữa các đại cường quốc, từ trước và ngay sau Thế chiến hai, nhất là để sáng chế các loại vũ khí giết người hàng loạt, trong chiến tranh từ nóng đến lạnh).

Mỗi thời đại quả là phải có những giấc mơ của nó, nhưng mơ mà chỉ cứ chủ yếu hô khẩu hiệu đùng đùng kiểu bán hàng đa cấp, thì là... mớ! Tản Đà (1889-1939) đã nêu một câu mà cứ ray rứt mãi, từ bấy đến nay: “Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Từ đó, nhất thiết phải xác quyết rằng bản chất của việc hình thành quyền lực cứng và mềm không phải là thiên mệnh, ân điển trên trời rơi xuống. Đó là cả một quá trình tôi luyện đầy kỹ thuật (tập hợp tất cả những phương pháp, bài bản, quy trình phải thẩm thấu), kỷ luật (tổng thể của những quy tắc phải tuân thủ, không được vi phạm), kỷ cương (nền nếp, phép tắc, trật tự vận hành). Toàn bộ cơ chế kỹ thuật, kỷ luật lẫn kỷ cương thể hiện những ý nghĩa, hệ giá trị đặc trưng, vinh thăng bởi cá nhân và tổ chức.

Tôn Thất Nguyễn Thiêm/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hieu-the-nao-cho-dung-ve-quyen-luc-cung-post1490957.html