Hiếu Thứ Hai bị lột đồ trong '2 ngày 1 đêm' là sự quấy rối tình dục?
Ê-kíp '2 ngày 1 đêm' vấp phải tranh cãi trái chiều vì có cảnh Hiếu Thứ Hai bị lột sạch đồ, giữa thời tiết rét buốt.
Cảnh Hiếu Thứ Hai cởi đồ gây tranh cãi
Tập 30 của chương trình "2 ngày 1 đêm" vừa lên sóng với nhiều thử thách. Trong đó, gây chú ý nhất là màn lột đồ gây tranh cãi của thành viên Hiếu Thứ Hai.
Theo đó chương trình đã đưa ra thử thách một thành viên đeo tai nghe và ngâm nga lại giai điệu bài hát. Các thành viên khác có nhiệm vụ đoán đúng tên bài hát để giành chỗ ngủ. Với một câu trả lời sai, thành viên được chọn ra - Hiếu Thứ Hai, sẽ phải cởi một món đồ trên người.
Vì đồng đội có nhiều câu trả lời sai nên nam rapper gần như đã lột bỏ toàn bộ quần áo, phải dùng thùng carton để che đi các phần nhạy cảm. Chưa kể thời tiết về đêm rét buốt khiến anh liên tục run rẩy, kêu gọi đồng đội cố gắng trả lời đúng.
Chi tiết này bị khán giả chỉ trích kém văn minh, lạm dụng hình thể và chi tiết nhạy cảm của nam giới để câu view.
"Chương trình giờ đến nỗi phải để Hiếu Thứ Hai lột đồ câu view sao, phản cảm quá. Thử hỏi nếu là một cô gái bị lột đồ như vậy thì như thế nào, nam giới không có nghĩa là bị lạm dụng",
"Như này là không tôn trọng khán giả, nên loại bỏ những hình ảnh phản cảm này trên sóng",... là một số bình luận của khán giả.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến bênh vực, cho rằng mục đích của chương trình là giải trí và người trong cuộc đã không tỏ ra khó chịu.
Liên hệ với nhà sản xuất về những tranh cãi xoay quanh cảnh lột đồ, đại diện chương trình "2 ngày 1 đêm" cho biết: "Hiện ê-kíp và Hiếu Thứ Hai chưa thể nói gì về vấn đề này. Chúng tôi sẽ có phản hồi đến khán giả sau".
Nhức nhối nạn quấy rối tình dục, độc hại trên gameshow truyền hình
Trước "2 ngày 1 đêm", nhiều gameshow cũng bị chỉ trích vì phân cảnh cởi đồ. "Người giấu mặt" từng là chương trình được kỳ vọng thu hút nhiều khán giả bởi sự đầu tư lớn về giải thưởng, quá trình ghi hình tốn kém, phức tạp.
Thế nhưng sau đó, chương trình gây tranh cãi dữ dội với cảnh thí sinh cởi bớt đồ để giảm bớt cân nặng. Nữ người mẫu đã phải dùng tay để che vòng 1 và những cảnh quay được làm mờ nhưng vẫn bị khán giả phản ứng.
Chương trình "Dare Pong" cũng gây tranh cãi, bị nhận xét dùng cảnh nhạy cảm để câu view bởi ê-kíp đưa ra những thử thách như hôn sâu, ăn sushi trên cơ thể đối phương, dùng răng cởi đồ bạn chơi,…
Hay trong show "Ngôi sao tình yêu" đã đưa ra thử thách "Đến nhà người yêu chơi, thấy anh ấy đang quấn khăn tắm, bạn nữ sẽ làm gì?".
Ngay lập tức trên sân khấu, người chơi nam phải cởi quần áo, chỉ mặc quần đùi ngắn, còn cô gái phải tay chạm vào cơ thể đối phương và liên tục có những tư thế gợi cảm.
Không chỉ tại Việt Nam, một số gameshow của nước ngoài từng đối mặt với làn sóng chỉ trích của dư luận khi bất chấp lợi dụng để câu view.
Gần đây nhất, đầu tháng 2/2023, nhà sản xuất chương trình "Physical: 100" gây tranh cãi khi lên sóng cảnh nam võ sĩ Park Hyung Geun dùng đầu gối tấn công lên ngực nữ vận động viên thể hình Chun Li.
Đáng nói, sau cảnh quay này, Chun Li gặp nhiều rắc rối khi bị quấy rối tình dục trên mạng xã hội.
Theo Mydaily, nữ vận động viên thể hình bức xúc khi những ngày qua, nhiều tài khoản cắt ghép hình ảnh chụp các bộ phận cơ thể của cô kèm theo bình luận chế nhạo, body shaming.
“Tôi có thể chịu đựng tất cả bình luận ác ý. Tôi đã bỏ qua chúng cho đến nay. Nhưng, vấn đề khiến tôi khó chấp nhận nhất là những tài khoản mạng phóng to các bộ phận cụ thể trên cơ thể tôi, sau đó bình luận, mổ xẻ chúng.
Có người thậm chí phóng to một bộ phận cụ thể trên cơ thể và đưa ra những bình luận khiến tôi cảm thấy xấu hổ về tình dục. Tôi cảm thấy rất đau khổ và tôi tê liệt vì xấu hổ. Hãy tưởng tượng nếu điều này xảy ra với bạn. Mẹ hoặc con gái của bạn có thể trở thành nạn nhân bị quấy rối tình dục bởi những người đàn ông như bạn”, Chun Li bức xúc.
Trong một thống kê năm 2018, Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng Giới (KIGEPE) Hàn Quốc cho biết, sau khi theo dõi 33 chương trình giải trí được xem nhiều nhất trên truyền hình, nhận thấy 56 trường hợp lệch lạc giới tính và có tình huống quấy rối tình dục.
Phần lớn nội dung phân biệt đối xử về giới, số khác biện minh cho hành vi quấy rối tình dục hoặc bạo lực tình dục, Korea Herald nhận định.
Một lãnh đạo KIGEPE lên án gay gắt: “Cần có mức độ nhạy cảm giới cao hơn đối với các đài truyền hình và nhân viên sản xuất để ngừng hợp lý hóa hoặc biện minh cho tình trạng bạo lực tình dục”.
KIGEPE thậm chí đã kế hoạch yêu cầu Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc kiểm duyệt một số trường hợp thiên vị giới tính và quấy rối tình dục được phát hiện trong quá trình giám sát các chương trình.
Ở Nhật Bản, hành hung, quấy rối, bắt nạt từng là chất liệu gây cười phổ biến trong các tiểu phẩm, game show hài. Một phụ nữ bị nhìn trộm cảnh thay đồ, quấy rối trên phương tiện công cộng... là nội dung những tiểu phẩm đang được các chương trình tạp kỹ Nhật Bản sản xuất, theo SCMP.
Một báo cáo được công bố giữa tháng 4/2022 của Tổ chức Cải thiện Chương trình và Đạo đức Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (BPO) đã chỉ ra rằng, những phân cảnh như trên mang xu hướng tiêu cực, nên ngừng chiếu trên đài truyền hình hoặc chương trình cụ thể.
Ủy ban Thanh niên và Phát thanh của BPO cho rằng, bạo lực và sỉ nhục để gây cười trên các chương trình truyền hình có thể dẫn đến hành vi bắt nạt, quấy rối ở những người trẻ tuổi.
Ngoài ra, tổ chức này còn kêu gọi các nhà đài, đơn vị sản xuất chương trình giải trí, hài kịch tránh những cảnh quay chế giễu nỗi đau tinh thần và thể xác của người khác.