Hiệu trưởng, hiệu phó có được dạy thêm không?
Trong các văn bản hiện nay, hiệu trưởng, hiệu phó là cán bộ quản lý là người không được phép dạy thêm, tổ chức dạy thêm.
Hiện nay, tình trạng dạy thêm trái phép tràn lan, dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, gây mất lòng tin của một bộ phận không nhỏ người dân, ảnh hưởng một phần đến chính sách phát triển trong thời gian tới.
Trong đó, có một nguyên nhân không nhỏ do quản lý yếu kém hay tiếp tay của một số hiệu trưởng trong việc dạy thêm.
Một nguyên nhân khác khiến cho các trường hợp dạy thêm trái phép ngày càng nhiều, lôn xộn đó chính là một số vị hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng là người trực tiếp dạy thêm.
Sau bài viết: “Khi hiệu trưởng, hiệu phó cũng tham gia dạy thêm cho học sinh chính khóa” của tác giả Bùi Nam đăng trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó tập trung vào tính pháp lý của việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có được phép dạy thêm hay không?
Trong bài viết này, tôi xin được nêu các căn cứ pháp lý để làm căn cứ xác định xem hiệu trưởng có được dạy thêm hay không?
Hiệu trưởng có được phép dạy thêm không?
Hiện nay việc dạy thêm, quản lý dạy thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Trong đó tại “Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.”
Như vậy tại điều 4 của thông tư trên, chỉ quy định giáo viên có thể dạy thêm theo đúng quy định trên, còn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là cán bộ quản lý, quy định không cho phép dạy thêm.
Hiện nay, trong Thông tư 16/2017/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định rất rõ ràng là vị trí cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), vị trí giáo viên và vị trí nhân viên.
Theo quan điểm của người viết, người dân/doanh nghiệp có thể làm những việc pháp luật không cấm. Còn cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.
Do đó, trong các văn bản hiện nay, hiệu trưởng, hiệu phó là cán bộ quản lý là người không được phép dạy thêm, tổ chức dạy thêm theo Thông tư 17 trên.
Như vậy, có nghĩa là các hiệu trưởng hiện nay đang dạy thêm là không đúng quy định.
Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT có kẽ hở để giáo viên dạy thêm o ép học sinh?
Tiếp theo đó, ngày 26/8/2019 Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo đó, quyết định trên bãi bỏ hầu như tất cả các quy định về dạy thêm bên ngoài nhà trường.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa “dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Một lần nữa cá nhân người viết cho rằng, việc một số hiệu trưởng dạy thêm hiện nay là trái quy định. Bên cạnh đó, hiệu trưởng là người quản lý, làm việc giờ hành chính, nên hiệu trưởng dạy thêm trái cả tình lẫn lý.
Mong các hiệu trưởng dừng ngay việc dạy thêm
Các giáo viên dạy thêm chính khóa, dạy thêm trái phép đã để lại rất nhiều hệ lụy khôn lường, nhận được nhiều oán thán của nhân dân.
Không những thế, thêm một số hiệu trưởng lại đứng ra dạy thêm trái luật thì việc quản lý dạy thêm càng khó khăn hơn, bất ổn hơn.
Hiệu trưởng phải là người có tâm trong sáng, không tham lam, vụ lợi thì trường mới có hy vọng phát triển mạnh mẽ và hội nhập.
Như đã nói ở trên, hiệu trưởng dạy thêm thu tiền dù cho bất kỳ học sinh nào cũng đều không đúng quy định, không được phép hiện nay.
Nên các lãnh đạo ngành giáo dục, nhanh chóng kiểm tra và ban hành các văn bản chính thức cấm dạy thêm của các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để họ tập trung vào công việc lãnh đạo, quản lý trường học, trong đó có việc quản lý dạy thêm của giáo viên khác.
Có như vậy mới hy vọng các trường tiến bộ, trường học công bằng, và phát triển mạnh mẽ, vững chắc.