Hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ không được giảm định mức tiết dạy có vô lí?
Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định hiệu trưởng không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế.
Vì sao hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ không được giảm định mức tiết dạy?
Khoản 2 Điều 7 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 quy định định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như sau:
"Định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học".
Cùng với đó, khoản 2a Điều 7 quy định: "Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, trường dự bị đại học không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại Thông tư này".
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 9 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định: "Giáo viên kiêm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ (nơi không thành lập đảng bộ) trường hạng I được giảm 4 tiết/tuần, các trường hạng khác được giảm 3 tiết/tuần".
Theo quy định trên thì hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ không phải là giáo viên kiêm nhiệm công việc này, do đó sẽ không được giảm định mức tiết dạy.
Số giờ dạy của hiệu trưởng có được tính cộng dồn theo học kỳ không?
Công văn 8499/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 10/12/2012 về việc hướng dẫn thực hiện số tiết giảng dạy theo quy định của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông như sau:
"Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: số tiết quy định của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần.
Để thuận tiện cho các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường vừa trực tiếp tham gia giảng dạy, việc phân công giảng dạy cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường.
Nội dung giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể: (1) tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo (các môn học/chủ đề tự chọn); (2) tham gia dạy học môn đạo đức (đối với chương trình giáo dục tiểu học); (3) thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn theo chương trình môn học hoặc dạy thay giáo viên đi học, nghỉ ốm, thai sản, dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ sao cho đảm bảo tổng số tiết dạy quy định của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đúng theo quy định hiện hành".
Theo các căn cứ nêu trên, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường phổ thông, số tiết quy định của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần.
Hiện nay không có hướng dẫn cụ thể về việc cộng dồn số tiết dạy của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng theo học kỳ hay theo tháng.
Theo quy định trên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn theo chương trình môn học hoặc dạy thay các giáo viên đi học, nghỉ ốm,… để đảm bảo tổng số tiết dạy quy định của lãnh đạo đúng theo quy định hiện hành.
Như vậy, có thể hiểu định mức tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tính theo tuần.
Hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ không được giảm định mức tiết dạy là vô lí
Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ không được giảm định mức tiết dạy là bất cập vì những lí do sau đây:
Thứ nhất, đối với trung tâm giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo viên được hưởng định mức và giảm trừ tiết dạy như giáo viên phổ thông, nhưng không quy định cụ thể giám đốc, phó giám đốc có được hưởng các chế độ như hiệu trưởng, phó hiệu trường phổ thông hay không.
Nếu giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên nào hưởng các chế độ như hiệu trưởng trường phổ thông, có thể họ mắc sai phạm. Ngược lại, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên nào không được hưởng các chế độ như hiệu trưởng trường phổ thông sẽ thiệt thòi về quyền lợi.
Thứ hai, quy định "Giáo viên kiêm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ (nơi không thành lập đảng bộ) trường hạng I được giảm 4 tiết/tuần, các trường hạng khác được giảm 3 tiết/tuần" là bất hợp lí.
Bởi vì, hiện nay hầu hết hiệu trưởng các nhà trường phổ thông đều kiêm nhiệm bí thư đảng bộ (hoặc chi bộ) chứ không phải giáo viên. Hiệu trưởng là người lãnh đạo đơn vị trường học, nếu giáo viên là bí thư đảng bộ (hoặc chi bộ), liệu giáo viên có lãnh đạo, chỉ đạo được hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hay không?
Thứ ba, cùng giữ chức vụ kiêm nhiệm bí thư đảng bộ (hoặc chi bộ), vì sao giáo viên thì được tính tiết kiêm nhiệm còn hiệu trưởng lại không?
Thực tế giáo viên kiêm nhiệm bí thư đảng bộ (hoặc chi bộ) ở các nhà trường phổ thông cho thấy, công việc về công tác Đảng rất nhiều, cũng áp lực không thua kém gì chuyện chuyên môn. Vậy nên, hiệu trưởng kiêm bí thư đảng bộ (hoặc chi bộ) không được giảm định mức tiết dạy là vô lí.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại khoản 1 Điều 9 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT để hiệu trưởng và giáo viên kiêm nhiệm bí thư đảng bộ (hoặc chi bộ) đều được giảm định mức tiết dạy như nhau, tạo sự công bằng trong lao động.