Hiệu trưởng THPT Yên Hòa nói đi trải nghiệm được cấp chứng chỉ, căn cứ ở đâu?

Hiệu trưởng THPT Yên Hòa nói đi trải nghiệm được cấp chứng chỉ. Phụ huynh thắc mắc, giáo viên hỏi trường và thông tin là cấp chứng nhận.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có các bài viết phản ánh những băn khoăn của phụ huynh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa liên quan việc tổ chức hoạt động trải nghiệm giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh khối 10 và 11 của nhà trường.

1. Đóng 1,8 triệu đi trải nghiệm, PH ý kiến, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa nói gì?

2. Học sinh THPT Yên Hòa đóng 1,8 triệu đi trải nghiệm: Nhiều băn khoăn cần làm rõ

Sau khi các bài viết được đăng tải, đã có nhiều phụ huynh, chuyên gia gửi băn khoăn về nhiều vấn đề liên quan đến trả lời của Hiệu trưởng Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội), quản lý tài chính thu chi từ hoạt động này...

Hiệu trưởng nói đi trải nghiệm được cấp "chứng chỉ", giáo viên nói "chứng nhận"?

Theo đó, trong bài viết "Đóng 1,8 triệu đi trải nghiệm, PH ý kiến, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa nói gì?", thầy Lê Hồng Chung - Hiệu trưởng nhà trường có thông tin với phóng viên: "Cái này chủ yếu là cho các em có trải nghiệm và có chứng chỉ cho các trải nghiệm đó. Sau này có làm hồ sơ đại học hay du học nước ngoài cũng sẽ là một lợi thế cho các em".

Phụ huynh cũng gửi ý kiến về Tạp chí hỏi về giá trị của "chứng chỉ". Đồng thời, không ít phụ huynh có tâm lý lo ngại vì cho rằng, đây là hoạt động tự nguyện nhưng nếu học sinh không tham gia sẽ không được cấp "chứng chỉ"?.

Vì thế, nhiều phụ huynh, học sinh trong trường đã nêu thắc mắc về các "chứng chỉ" này với giáo viên.

Một số phụ phụ huynh cho biết, sau đó giáo viên đã thông báo: "Học sinh tham gia có nguyện vọng được cấp Chứng nhận tham gia chương trình của Trung tâm (không phải Chứng chỉ bồi dưỡng)".

Trao đổi với phóng viên, một phụ huynh làm quản lý trong ngành giáo dục cho rằng, theo Khoản 4, Điều 12 của Luật Giáo dục 2019: "Văn bằng chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp...”.

Qua đó, phụ huynh cho rằng, Công ty TNHH giáo dục Tuệ An không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì không có quyền cấp chứng chỉ đối với hoạt động này.

"Chúng tôi cần nhà trường và đại diện trung tâm phối hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm giải thích và có minh chứng cụ thể những vấn đề sau:

Thứ nhất, nếu tham gia trải nghiệm được cấp chứng chỉ như hiệu trưởng nói thì chứng chỉ này của Công ty trên hay của Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội cấp? Họ có được phép cấp chứng chỉ không?

Thứ hai, trong trường hợp trung tâm bồi dưỡng kỹ năng thuộc Công ty TNHH giáo dục Tuệ An này không được phép cấp cấp "chứng chỉ" thì việc hiệu trưởng nhà trường nói rằng "học sinh tham gia sẽ được cấp chứng chỉ" có phải cố tình để học sinh, phụ huynh hiểu nhầm và tham gia đông?", phụ huynh bức xúc nêu ý kiến.

Kế hoạch dự kiến 1.000 học sinh tham gia, khoảng 1,8 tỷ đồng, trường có phải đấu thầu?

Trong bài viết trước đó, khi phóng viên đề cập với mức thu nêu trong kế hoạch, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Yên Hòa cho biết đó là dựa trên mức mà nhà đơn vị cung cấp dịch vụ đưa ra.

"Về mức thu chúng tôi cũng đã tham khảo qua nhiều trường và có sự cân nhắc chứ không phải tự nhiên mà đưa ra mức thu như vậy được", vị hiệu trưởng này nhấn mạnh thêm.

Qua đó, một số phụ huynh nêu lên thắc mắc: "Nếu tính sơ qua theo dự tính của nhà trường về số lượng học sinh tham gia, con số được nêu trong bản kế hoạch là khoảng 1.000 người. Số tiền này nếu nhân lên với mức đóng góp của mỗi học sinh là 1,8 triệu đồng thì sẽ tương đương khoảng 1,8 tỷ đồng.

Nếu đây là tổng số tiền mà nhà trường đưa vào hợp đồng ký kết với Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội thuộc Công ty TNHH giáo dục Tuệ An thì trước đó, nhà trường đã lựa chọn đơn vị phối hợp tổ chức theo hình thức nào? Với mức chi phí như vậy thì nhà trường có cần phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị phối hợp tổ chức hay không?

Nếu tổ chức đầu thầu hoặc các phương án lựa chọn nào khác thì các thông tin đó đang được nhà trường công khai ở đâu?

Bên cạnh đó, khi chúng tôi khảo sát giá cả với hoạt động tương tự tại một số trường khác đang có mức thấp hơn từ 300 đến 500.000 đồng/ học sinh, vậy mức nhà trường đưa ra đã phải là mức tốt nhất hay chưa?

Việc này chúng tôi rất mong nhà trường sớm có câu trả lời rõ và cần công khai chi tiết văn bản thể hiện các yếu tố nói trên lên trang thông tin điện tử của trường để phụ huynh có thể theo dõi, giám sát".

Để làm rõ các nội dung băn khoăn trên, trong ngày 24/10 phóng viên đã liên hệ và để lại tin nhắn qua điện thoại cho thầy Lê Hồng Chung - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa. Tuy nhiên, phóng viên không nhận được thông tin phản hồi liên quan.

Phóng viên cũng tìm hiểu thêm về việc thực hiện công khai kế hoạch trải nghiệm này trên website của nhà trường sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phê duyệt theo lời hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa cho biết trước đó.

Tuy nhiên, ghi nhận trong chiều ngày 24/10, phóng viên không tìm thấy dữ liệu, bài viết nào liên quan đến kế hoạch trải nghiệm giáo dục quốc phòng - an ninh này trên trang thông tin điện tử của trường.

 Thông tin về kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm giáo dục quốc phòng của Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, phóng viên không tìm thấy trên website nhà trường. Ảnh chụp màn hình chiều 24/10.

Thông tin về kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm giáo dục quốc phòng của Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, phóng viên không tìm thấy trên website nhà trường. Ảnh chụp màn hình chiều 24/10.

Nội dung trải nghiệm có trùng lắp môn học?

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cho rằng, dù nhà trường và giáo viên nhiều lần nói hoạt động này chỉ là trải nghiệm, không thay thế hoạt động chuyên môn của môn Giáo dục quốc phòng - An ninh, tuy nhiên trong thông báo về việc "tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa" được gửi cho phụ huynh khối 11 của nhà trường có thể thấy, toàn bộ khung chương trình trong suốt 3 ngày đều là các hoạt động mang yếu tố huấn luyện.

 Tên gọi các hoạt động trải nghiệm khá giống với tên nội dung bài học môn Giáo dục quốc phòng - An ninh. Phụ huynh ngại học sinh sẽ bị mất hứng thú với môn học này. Ảnh phụ huynh cung cấp

Tên gọi các hoạt động trải nghiệm khá giống với tên nội dung bài học môn Giáo dục quốc phòng - An ninh. Phụ huynh ngại học sinh sẽ bị mất hứng thú với môn học này. Ảnh phụ huynh cung cấp

"Các con thắc mắc và được giáo viên trả lời rằng đây chỉ là hoạt động trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên trong khung chương trình thì thấy rằng chủ yếu thời gian các con trải nghiệm trong 3 ngày đó là huấn luyện.

Qua khung chương trình cũng có thể thấy, các hoạt động trải này có nội dung khá giống với các nội dung trong môn học Giáo dục Quốc phòng - An ninh.

Nếu cho học sinh trải nghiệm những hoạt động như vậy, sau này về trường các em lại phải học thêm một lần nữa các nội dung trong môn học Giáo dục quốc phòng - An ninh liệu có khiến các em mất hứng thú với môn học hay không?", phụ huynh trăn trở.

Về việc này, phóng viên ghi nhận từ khung nội dung chương trình được phụ huynh cung cấp có thể thấy, các học sinh sẽ được tham gia các hoạt động có tên gọi như: Điều lệnh đội ngũ; Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo; Kỹ thuật sử dụng lựu đạn; Lợi dụng địa hình, địa vật;...

Các hoạt động trải nghiệm này có cách gọi khá giống với với tên gọi trong nội dung môn học Giáo dục quốc phòng - An ninh quy định tại Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-thpt-yen-hoa-noi-di-trai-nghiem-duoc-cap-chung-chi-can-cu-o-dau-post246462.gd