Hiệu trưởng tiểu học Lũng Luông: 'Bịa đặt trường chỉ 30 học sinh làm thầy cô quá chạnh lòng'
Hiệu trưởng Tiểu học Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên) buồn rầu chia sẻ khi biết mạng xã hội loan tin ngôi trường này chỉ có 30 học sinh theo học.
Giáo viên chạnh lòng
Vượt qua những đoạn đường dốc hiểm trở, quanh co, qua những sườn núi, PV VTC News đã tới được trường tiểu học Lũng Luông (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) vào đầu giờ chiều 11/9. Lúc này chưa phải giờ vào lớp nên từng nhóm học sinh vẫn túm năm, tụm ba vui chơi ngoài sân trường và trong từng lớp học.
Quan sát học sinh một lát, chúng tôi làm việc ngay với hiệu trưởng tiểu học Lũng Luông xung quanh những thông tin thất thiệt đang đồn thổi trên mạng những ngày qua.
Khi được biết phóng viên lên tìm hiểu sự thật về hoạt động của trường, cô Đinh Thị Hoa – hiệu trưởng tiểu học Lũng Luông vui mừng chia sẻ. Cô Hoa thông tin từ ngày khai giảng năm học mới 5/9, học sinh đi học rất đều và đầy đủ.
Năm học 2017-2018, trường Tiểu học Lũng Luông có 124 học sinh với 5 lớp học. Ngoài ra, trong khuôn viên của trường cũng có điểm trường mầm non với 50 học sinh.
Sáng 11/9, địa bàn xã Thượng Nung có mưa to, nhiều tuyến đường giao thông trong xã sạt lở nên có khoảng 10 học sinh phải nghỉ học. Nhưng đến chiều các em vẫn đến trường đi học khá đông đủ. Một số học sinh nghỉ đã được các cô giáo ghi chép lại rất cụ thể trong phần thông báo sĩ số lớp.
Bài liên quan
Sự thật sau thông tin 'bông hoa núi rừng' Lũng Luông chỉ có 30 học sinh theo học
Chiều 11/9, PV VTC News ghi nhận có khoảng 150 học sinh học sinh trường tiểu học và mầm non Lũng Luông đang học tập. Trong các lớp học khang trang và sạch sẽ, tiếng cười tiếng nói của học sinh rộn ràng cả một góc trời.
Sau khi chia sẻ về những nỗ lực, cố gắng của giáo viên và học sinh trong những năm học vừa qua, giọng cô Hoa trầm xuống khi bình luận về những thông tin không đúng về trường đang được lan truyền trên mạng.
Cô Hoa bùi ngùi tâm sự: “Khi có người gửi thông tin không đúng sự thật về trường, tôi đã không dám nói với các thầy cô giáo trong trường vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của các giáo viên. Trước đó, chỉ có tôi và một thầy hiệu phó biết thông tin này”.
Vì vậy, nữ hiệu trưởng tiểu học Lũng Luông cảm thấy rất buồn khi những nỗ lực, cố gắng của các thầy cô giáo bao năm qua có thể bị dư luận hiểu sai.
“Tôi và các giáo viên trong trường cũng cảm thấy rất buồn và chạnh lòng. Vì trường tiểu học Lũng Luông là một trường đặc biệt khó khăn nhất của huyện nên các giáo viên và học sinh ở đây đã rất nỗ lực và cố gắng hết mình để vượt qua những khó khăn, thế mà lại bị mọi người bịa đặt những thông tin không đúng”, cô Hoa trầm ngâm tâm sự.
Tình cờ gặp đoàn kiểm tra của phòng GD-ĐT huyện Võ Nhai đang làm việc tại trường, PV VTC News cũng xác minh các thông tin từ phía nhà trường vừa cung cấp.
Ông Hà Mạnh Cương, trưởng phòng GD-ĐT huyện Võ Nhai cũng tỏ ra bức xúc trước những thông tin thất thiệt về trường. Vị trưởng phòng GD-ĐT Võ Nhai cũng khẳng định sĩ số các lớp ở tiểu học Lũng Luông luôn được giữ ổn định trong nhiều năm qua.
“Những thông tin trên mạng xã hội phản ánh về số lượng học sinh và tinh thần học tập của các em ở trường Lũng Luông là hoàn toàn bịa đặt, không đúng thực tế.
Thông tin bịa đặt đó đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học cũng như tư tưởng, tinh thần của các giáo viên ở đây. Người dân và giáo viên ở đây đã rất bất bình trước những thông tin bịa đặt như vậy”, ông Cương nhấn mạnh.
Học sinh vùng cao hiếu học
Ngoài việc đưa những thông tin không chính xác về số lượng học sinh tiểu học Lũng Luông, một số người còn tự cho mình quyền phán xét, đưa ra nhận định về tinh thần học tập của học sinh vùng cao ở Lũng Luông.
Bài liên quan
GS Ngô Bảo Châu biến ngôi trường ọp ẹp thành 'bông hoa' giữa núi rừng
Thậm chí, một số người này còn có góc nhìn tiêu cực khi cho rằng học sinh miền núi không có khát khao tìm con chữ. Chính lối suy đoán vô căn cứ này cũng khiến các thầy cô giáo ở Lũng Luông thêm bức xúc.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A kể trước đây cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều thiếu thốn, trong khi đó đường lên trường đều là đường đất, rất khó đi nên các em học sinh cũng phải rất vất vả để đến trường.
Hiện nay, nhà trường đã được đầu tư xây dựng trường mới khang trang, có đường mới, có điện nên không chỉ thầy cô mà cả học sinh cũng rất phấn khởi.
“Nhiều em áo quần còn không đủ mặc, phải đi bộ 6km mới tới lớp nhưng những khó khăn đó không thể ngăn được tinh thần hiếu học của các em”, nữ giáo viên chủ nhiệm lớp 1A nói.
Theo quan sát của PV VTC News, các lớp học đều khá đông học sinh đang học tập. Ánh mắt các em hiện lên nét vui tươi, rạng rỡ. Giờ ra chơi, học sinh các lớp ùa lên thư viện, thích thú kiếm tìm tri thức trong những cuốn truyện, cuốn sách.
Nữ hiệu trưởng tiểu học Lũng Luông cũng rất bất bình khi có những thông tin suy đoán vô căn cứ về tinh thần học tập của học sinh vùng quê nghèo này.
“Trước kia vì điểm trường chính ở xa cách tận 7km nên nhiều em phải bỏ học. Nhưng từ khi được quỹ hỗ trợ đầu tư xây dựng ngôi trường mới khang trang, hiện đại sĩ số các em đi học rất ổn định và đầy đủ. Tỷ lệ học sinh bỏ học gần như là không có. Em nào cũng rất chịu khó và ham học”, cô Đinh Thị Hoa, hiệu trường nhà trường thông tin thêm.
Cô Hoa cũng chia sẻ những kế hoạch sắp tới của nhà trường sẽ trang trí lớp học thật đẹp, thân thiện, để các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Cũng có cùng quan điểm này, ông Hà Mạnh Cương, trưởng phòng GD-ĐT huyện Võ Nhai, Thái Nguyên nhấn mạnh: “Trước kia các em không được đi học là do không có điều kiện, chứ không phải các em ở đây không muốn đi học như những thông tin trên mạng đăng tải. Các em ở đây luôn khao khát tìm đến con chữ. Được đến trường là một niềm vui và hạnh phúc lớn của các em”.
Quỹ “Trò nghèo vùng cao” xây ngôi trường mới đã mang lại một bức tranh giáo dục hoàn toàn mới cho ngành giáo dục huyện Thung Nhai, làm thay đổi cuộc sống của học sinh và người dân Lũng Luông.
Bản Lũng Luông thuộc xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên nằm biệt lập trong lòng núi. Bản Lũng Luông là bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên.
Bản có 62 hộ nghèo trên tổng số 117 hộ. Với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số gồm Tày, Nùng, Mông.
Thu nhập chính yếu của bà con là từ việc trồng lúa, ngô (mỗi năm chỉ được một vụ) và chăn nuôi.