Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (USTH) dự báo những nhóm ngành học được săn đón trong tương lai
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (USTH) - chia sẻ với phóng viên chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong về những nhóm ngành học sẽ được thị trường lao động săn đón trong tương lai.
Thưa bà, điểm sàn tuyển sinh năm 2024 của USTH có cao hơn năm trước?
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Theo đánh giá chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định và tương đồng với phổ điểm năm 2023. Do đó, điểm sàn năm 2024 của trường USTH về cơ bản không thay đổi nhiều so với điểm sàn của năm trước.
Điểm sàn của USTH năm 2024 cho từng ngành đã được Hội đồng tuyển sinh thông qua như sau:
Tại sao ngành Dược học lại có mức điểm sàn cao nhất, 22 điểm, thưa bà?
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Ngành Dược học là ngành có mức điểm sàn cao nhất với số điểm 22 (Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm 2024 cho ngành Dược học là 21 điểm). Với ngưỡng điểm này, Trường thể hiện sự quyết tâm và cam kết trong đào tạo nguồn nhân lực dược sĩ chất lượng cao cho ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Từ năm 2023, được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế, trường đã tuyển sinh khóa đầu tiên của ngành Dược học. Trường tin tưởng rằng, dựa trên thế mạnh của USTH về hợp tác sâu rộng với các trường đại học hàng đầu về đào tạo Y - Dược tại Pháp, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc và mạng lưới đối tác là các bệnh viện và doanh nghiệp dược lớn của Hà Nội, ngành Dược học của USTH sẽ góp phần đào tạo đội ngũ dược sĩ chất lượng cao cho đất nước theo hai định hướng đang “khát” nhân lực là “Dược lâm sàng” và “Công nghiệp Dược”.
Những ngành học nào mang bản sắc của USTH tiếp tục được các thí sinh lựa chọn nhiều trong năm nay, thưa bà?
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh: USTH là trường đại học tiên phong tại châu Á đào tạo theo tiến trình Bologna, mô hình được áp dụng rộng rãi tại hơn 45 quốc gia châu Âu. Với vai trò là đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng như là dự án hợp tác về giáo dục đại học giữa hai Chính phủ Việt Nam và Pháp, USTH nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Liên minh hơn 30 trường đại học và tổ chức nghiên cứu uy tín của Pháp trong đào tạo. Tại USTH, các chương trình học được xây dựng dựa trên định hướng phát triển khoa học và công nghệ của hai quốc gia, với nhiều ngành đặc thù theo tôn chỉ mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. Chương trình đào tạo đặc trưng ở thiết kế tối ưu giữa lý thuyết và thực hành, cơ sở phòng thí nghiệm hiện đại, và ngôn ngữ đào tạo bằng tiếng Anh, nên có thể nói 17 ngành học tại USTH đều mang những màu sắc riêng, đáp ứng những nhu cầu cụ thể của xã hội. Đặc biệt, những ngành học của USTH đều nằm trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Chính phủ theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm tuyển sinh 2024, các ngành học thu hút được nhiều thí sinh bao gồm những ngành như Công nghệ thông tin - Truyền thông, Công nghệ vi mạch bán dẫn, Khoa học dữ liệu, Công nghệ sinh học – Phát triển thuốc, Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, An toàn thông tin, Dược học, Kỹ thuật Hàng không, Khoa học và Công nghệ y khoa và Kỹ thuật ô tô. Bên cạnh đó, các ngành đặc thù như Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano hay Khoa học Môi trường Ứng dụng dù là ngành kén người học nhưng vẫn thu hút được lượng thí sinh ổn định.
Việc các thí sinh lựa chọn những ngành này phản ánh nhu cầu của xã hội và định hướng phát triển của Chính phủ. Dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0, thị trường lao động đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới, tuy nhiên cũng đặt ra bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao có thể thích ứng và làm chủ được với tốc độ phát triển hiện nay.
Trong khi đó, bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh trên 3 phương diện: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data), để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,... Điều này lý giải cho số lượng thí sinh quan tâm các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khoa học dữ liệu, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử tăng nhanh trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Tỷ lệ sinh viên USTH có việc làm cao nhất sau khi tốt nghiệp đang thuộc về những ngành nào? Bà dự đoán thế nào về thị trường việc làm của những ngành này trong những năm tiếp theo?
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Theo kết quả khảo sát về tỷ lệ việc làm sau khi ra trường của sinh viên USTH, những ngành thu hút số lượng đông sinh viên kể trên như Khoa học và Công nghệ y khoa, Công nghệ thông tin - Truyền thông, An toàn thông tin, Công nghệ sinh học – Phát triển thuốc… đều đạt tỷ lệ trên 90%. Các ngành đặc thù có nhiều ngành đạt 100%, minh chứng cho nhu cầu thiết yếu về nguồn nhân lực cho những ngành này trong thị trường lao động.
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2023, những ngành đào tạo tại USTH đa phần đang thuộc top 10 danh sách công nghệ giữ vai trò điều phối, tạo ra việc làm cho thị trường lao động trong 5 năm tới. Trong đó phải kể đến công nghệ phân tích dữ liệu lớn, công nghệ quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, mã hóa và an toàn thông tin, công nghệ sinh học đang là nhóm 4 công nghệ dẫn đầu trong danh sách. Hơn thế nữa, trong vòng chưa đầy 20 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc kinh tế được công nhận tại Đông Nam Á. Trên chặng đường lịch sử này, sẽ không thể thiếu được sự đóng góp của khoa học và công nghệ. Do vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên theo học những ngành học tại USTH là hoàn toàn rộng mở, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thị trường lao động quốc tế.