Hiệu trưởng tự xây dựng, thực hiện và tự đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thạc sĩ
Đây là một trong những nội dung quy định trong dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải lấy ý kiến góp ý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ để thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.
Đáng chú ý, trong dự thảo lần này những quy định về chương trình đào tạo được rút gọn và cụ thể hơn. Trong đó, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, bao gồm chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu và chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, bảo đảm các quy định về chuẩn chương trình đào tạo và các quy định của pháp luật liên quan.
Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu là chương trình đào tạo có mục tiêu và nội dung xây dựng theo hướng chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học, phát triển các công nghệ nguồn làm nền tảng để phát triển các lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ. Chương trình được thiết kế để học viên kết hợp hoàn thành các học phần và thực hiện luận văn nghiên cứu.
Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng là chương trình đào tạo có mục tiêu và nội dung xây dựng theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người. Chương trình được thiết kế để học viên dành toàn bộ thời gian học các học phần và thực hiện luận văn, hoặc dự án, hoặc báo cáo tốt nghiệp cuối khóa học (nếu có).
Dự thảo cũng đưa ra những quy định về chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng được phép áp dụng phương thức đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến đối với các học phần lý thuyết; cơ sở đào tạo cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định hiện hành tại quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. Tổng số tín chỉ các học phần được đào tạo theo phương thức trực tuyến không vượt quá 30% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo.
Về Đề cương chi tiết học phần của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ bao gồm: mục tiêu; chuẩn đầu ra; số tín chỉ; các học phần bắt buộc, các học phần tự chọn; nội dung, hình thức tổ chức dạy học; hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá; học liệu của học phần; các nội dung khác theo yêu cầu của học phần và theo quy định của cơ sở đào tạo.
Theo dự thảo, Chương trình đào tạo thạc sĩ do giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng, ban hành, thực hiện, tự đánh giá chất lượng đào tạo và thực hiện kiểm định chất lượng chương trình theo quy định pháp luật hiện hành.
Một trong những thay đổi tiếp theo trong dự thảo Thông tư là quy định về Đề án tuyển sinh. Cơ sở đào tạo công bố công khai Đề án tuyển sinh trước khi ứng viên đăng ký dự tuyển ít nhất 30 ngày.
Thủ trưởng cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng Đề án tuyển sinh bảo đảm cung cấp đầy đủ những thông tin về: đối tượng và yêu cầu dự tuyển; ngành đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành; danh mục ngành đúng, ngành gần đối với từng ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; tổ chức học bổ sung kiến thức; danh sách người hướng dẫn theo từng lĩnh vực đối với chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu; số lần tuyển sinh trong một năm; hồ sơ dự tuyển và thời gian nhận hồ sơ; kế hoạch và phương thức tuyển sinh cho từng chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc theo định hướng ứng dụng; thời gian công bố kết quả trúng tuyển và thời gian nhập học; tài chính và chính sách hỗ trợ kinh phí cho học viên trong quá trình học tập (nếu có); điều kiện bảo đảm chất lượng.
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về Đề án tuyển sinh đã công bố với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định pháp luật hiện hành và theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, các điều kiện bảo đảm chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của những nội dung trong Đề án tuyển sinh.
Cơ sở đào tạo có thể điều chỉnh Đề án tuyển sinh và công bố công khai Đề án tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trước khi ứng viên bắt đầu đăng ký dự tuyển ít nhất 30 ngày làm việc.
Việc xử lý vi phạm được quy định cụ thể, trong đó có những quy định về việc thu hồi bằng thạc sĩ trong trường hợp sao chép, trích dẫn không đúng quy định.
Cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các hành vi vi phạm Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm gây thiệt hạn thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp phát hiện có vi phạm trong tuyển sinh, tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, đánh giá luận văn và cấp bằng thạc sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu cơ sở đào tạo xử lý hoặc trực tiếp xử lý theo thẩm quyền.
Việc thu hồi bằng thạc sĩ được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp, gian lận trong hồ sơ dự tuyển khiến người được cấp bằng không còn bảo đảm điều kiện dự tuyển và điều kiện công nhận trúng tuyển; Sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận văn của chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu mà nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận văn không đáp ứng yêu cầu quy định; và Luận văn không được Hội đồng thẩm định thông qua theo quy định.
Trong trường hợp học viên bị phát hiện có những vi phạm khác thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, tạm ngừng học tập, đình chỉ học tập đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc xác định luận văn vi phạm thuộc thẩm quyền của Hội đồng thẩm định do thủ trưởng cơ sở đào tạo thành lập.