Hiệu trưởng vượt chuẩn bỗng bị tụt hạng khổ sở vì Bộ không thừa nhận bằng CNQLGD

Đừng để nhà giáo cứ mãi chạy theo văn bằng, chứng chỉ để họ yên tâm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục, cho nhà trường- đó mới là điều hợp lý, cần làm của Bộ.

Thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một loạt bài viết phản ánh về tình trạng nhiều nhà giáo đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các nhà trường Tiểu học, Trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục vẫn không được công nhận là đủ chuẩn và phải xuống hạng giáo viên mà mình đang giữ.

Loạt bài viết này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cán bộ quản lý nhà trường phổ thông trên cả nước bởi tình trạng này xảy ra ở nhiều địa phương và họ bị rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười, chẳng biết kêu ai bây giờ.

Ngày 27/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn gửi các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Trong Công văn này, Bộ hướng dẫn những nhà giáo có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục vẫn phải đi học nâng chuẩn trình độ. Vậy là tấm bằng bằng cử nhân quản lý giáo dục bỗng nhiên trở thành vô nghĩa đối với nhiều người đã lao tâm khổ tứ mấy năm trời đi học.

Dù có bằng cử nhân quản lý giáo dục nhưng nhiều nhà giáo đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vẫn phải đi học nâng chuẩn (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Dù có bằng cử nhân quản lý giáo dục nhưng nhiều nhà giáo đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vẫn phải đi học nâng chuẩn (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Đang là giáo viên “vượt chuẩn” bỗng nhiên thành giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ

Trước đây, khi chưa có Luật Giáo dục năm 2019, những cán bộ, quản lý nhà trường cấp Tiểu học chỉ yêu cầu có bằng trung cấp sư phạm, cấp Trung học cơ sở thì chỉ yêu cầu có bằng cao đẳng sư phạm là đủ chuẩn.

Khi đó, những nhà giáo đang là giáo viên cốt cán hoặc đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường Tiểu học và Trung học cơ sở được địa phương “chọn mặt gửi vàng” cử đi học lớp cử nhân quản lý giáo dục để về làm lãnh đạo nhà trường nhằm thực hiện công việc được tốt hơn.

Thế nhưng, khi Luật Giáo dục năm 2019 ra đời và có hiệu lực vào ngày 01/7/2020, những nhà giáo có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục bỗng nhiên là những người “chưa đạt chuẩn”.

Đặc biệt, ngày 02/2/2021, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT thì những nhà giáo này bị xuống hạng và họ trở thành “Giáo viên hạng III” và chịu cảnh là những nhà giáo “chưa đạt chuẩn trình độ”.

Trước những phản ánh về những bất cập trong việc quy đổi chuẩn trình độ mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh trong thời gian qua, cứ tưởng mọi chuyện sẽ thay đổi nhưng sự thật thì không phải như vậy.

Dù Bộ đã có một hướng mở hơn một chút nhưng những nhà giáo có bằng cử nhân quản lý giáo dục bắt buộc vẫn phải đi học đại học sư phạm hoặc bằng cử nhân phù hợp.

Những nội dung học gắn liền với công việc hàng ngày của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhưng vẫn xem là chưa có "bằng cử nhân phù hợp" (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Những nội dung học gắn liền với công việc hàng ngày của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhưng vẫn xem là chưa có "bằng cử nhân phù hợp" (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Bởi, ngày 27/1/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn gửi các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và hướng dẫn rất cụ thể.

Trong đó, Bộ đã hướng dẫn như sau: “về việc bổ nhiệm lại và bổ nhiệm, xếp lương đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên).

Kể từ ngày 1/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, đã có những tác động đến chính sách do thay đổi quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục có bằng cử nhân quản lý giáo dục mà không có bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên theo quy định.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xem xét thực hiện quy trình bổ nhiệm lại cán bộ quản lý trường học đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên).

Sau khi bổ nhiệm lại, cán bộ quản lý trường học phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. Sau khi hoàn thành nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì thực hiện bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. [1]

Bất cập bằng cử nhân quản lý giáo dục “không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên”

Chúng tôi cho rằng, việc Bộ không công nhận bằng cử nhân quản lý giáo dục là bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên đối với những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở nhiều trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên cả nước là máy móc, cứng nhắc trong tiêu chí “có bằng cử nhân phù hợp” theo Luật Giáo dục năm 2019.

Bởi lẽ, những nội dung đào tạo lớp cử nhân quản lý giáo dục cũng nằm trong những kiến thức, công việc của một nhà giáo trong các nhà trường phổ thông hiện nay.

Nhìn vào chuyên đề đào tạo lớp cử nhân quản lý giáo dục thì chúng ta dễ dàng thấy nội dung gắn liền với công việc quản lý của những nhà giáo đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các nhà trường.

Điều nghịch lý là tại Thông tư 02,03/2021/TT-BGDĐT thì các tiêu chuẩn đối với giáo viên hạng I lại công nhận, quy đổi bằng quản lý giáo dục ngang hàng với bằng chuyên môn.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 3, Điều 5, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn về tiêu chuẩn trình độ bồi dưỡng của giáo viên tiểu học xếp hạng I như sau:

Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặccó bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên”.

Cũng tại điểm a, khoản 3 Điều 5, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn về tiêu chuẩn, trình độ bồi dưỡng của giáo viên trung học cơ sở xếp hạng I như sau:

Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặccó bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên”.

Như vậy, trong diễn đạt câu chữ của Bộ ở Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn đối với giáo viên hạng I thì bằng chuyên môn và bằng quản lý giáo dục có giá trị như nhau bởi các vế câu được nối với nhau bằng từ “hoặc”.

Thế nhưng, đối với giáo viên hạng II thì bằng cử nhân quản lý giáo dục lại được Bộ hướng dẫn là “không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên”. Cùng một cơ quan ban hành văn bản nhưng tại sao lại có sự vênh nhau đến vậy?

Trong khi, những nhà giáo đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã có bằng cử nhân quản lý giáo dục thì chắc chắn tấm bằng này đang giúp họ rất nhiều trong công việc hàng ngày tại đơn vị.

Vì thế, theo quan điểm của người viết, nếu Bộ đã công nhận bằng thạc sĩ quản lý giáo dục ngang hàng với bằng thạc sĩ đào tạo giáo viên thì phải công nhận bằng đại học đào tạo giáo viên với bằng cử nhân quản lý giáo dục mới là công bằng và hợp lý.

Đừng để nhà giáo cứ mãi chạy theo văn bằng, chứng chỉ để họ yên tâm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục, cho nhà trường - đó mới là điều hợp lý, cần làm của Bộ trong lúc này.

Đừng để những khoản tiền mà ngân sách nhà nước đã đầu tư cho những nhà giáo từng được xem là tiêu biểu nên mới được cử đi học lớp cử nhân quản lý giáo dục trở nên lãng phí.

Và đừng để những nhà giáo đã bỏ ra 3 năm trời đi học để bây giờ thành tấm bằng này trở nên vô nghĩa, không có giá trị.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/huong-dan-tuyen-dung-dac-cach-giao-vien-da-co-nhieu-nam-cong-tac-yAqjqha7R.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hieu-truong-vuot-chuan-bong-bi-tut-hang-kho-so-vi-bo-khong-thua-nhan-bang-cnqlgd-post224362.gd