Hiệu ứng Boomerang từ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump
Có ý kiến cho rằng chiến lược thuế quan 'rải thảm' của Tổng thống Trump không chỉ làm tổn hại kinh tế Mỹ mà còn khiến các đồng minh và đối tác thương mại quay lưng, trong khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 1/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Nhận định trên trang web China-US Focus của tổ chức "China-United States Exchange Foundation" mới đây, bà Zhang Monan, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu châu Mỹ và châu Âu thuộc Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE - nhóm nghiên cứu chính sách công có trụ sở tại Bắc Kinh, hoạt động theo chỉ đạo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc), cho rằng đầu tháng 4 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã công bố sắc lệnh hành pháp áp đặt một loạt thuế quan có đi có lại đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, kéo toàn thế giới vào một cuộc chiến thương mại mới. Tuy nhiên, chiến lược này khó có thể mang lại chiến thắng cho Washington như mong đợi.
Chính quyền Trump đã áp dụng hai bộ thuế quan cho các nhóm quốc gia khác nhau: thuế chung 10% áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu và thuế quan có đi có lại dành riêng cho các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Trong đó, Trung Quốc phải chịu mức thuế cao nhất - 145%, tiếp theo là Việt Nam (46%), Ấn Độ (26%), Nhật Bản (24%) và Liên minh châu Âu - EU (20%). Ngoài Trung Quốc, các mức thuế đối ứng với những nền kinh tế còn lại hiện đang tạm hoãn trong 90 ngày để đàm phán.
Theo bà Zhang, kết hợp giữa cách tiếp cận từng quốc gia sang chiến lược "rải thảm toàn cầu", chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã đẩy mức thuế trung bình của Mỹ lên 25,9%, vượt qua cả mức thuế trong Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, đồng thời vi phạm nguyên tắc đối xử tối huệ quốc của WTO.
Tuy nhiên, chuyên gia Zhang cảnh báo Mỹ khó có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan này, đặc biệt khi so sánh với Trung Quốc. Nguyên nhân chính nằm ở sự phụ thuộc không cân xứng giữa hai nền kinh tế.
Trung Quốc cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ trước các cú sốc thuế quan. Năm ngoái, tổng mức phụ thuộc xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ chỉ khoảng 14,7%. Chỉ có 95 sản phẩm có tỷ lệ phụ thuộc lớn hơn 50%, với tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 11,16 tỷ USD, tương đương 2,13% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ.
Ngược lại, Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2024, mức phụ thuộc nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc là 13,8%. Đáng chú ý, có khoảng 591 sản phẩm có tỷ lệ phụ thuộc hơn 50%. Các sản phẩm này chiếm tới hơn 224 tỷ USD, tương đương 48,4% lượng hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc.
Vị thế của Trung Quốc
Trung Quốc hiện sở hữu tất cả 41 loại hình công nghiệp được nêu trong hệ thống phân loại công nghiệp của Liên hợp quốc. Chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, từ đóng gói chip đến sản xuất ô tô, khiến nước này trở thành thế lực không thể thay thế trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu.
Trong quý đầu tiên của năm nay, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã tăng 6,9%, và giá trị xuất nhập khẩu đã vượt quá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,37 nghìn tỷ USD) trong 8 quý liên tiếp. Thị phần của nước này trong thương mại toàn cầu vẫn ổn định và thậm chí còn tăng lên trong những năm gần đây.
Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới về hàng hóa trung gian - các khối xây dựng thiết yếu của ngành sản xuất. Ví dụ, trong số các đơn đặt hàng của Trung Quốc được gia công cho Việt Nam và Mexico, khoảng 70% liên quan đến công việc lắp ráp, trong khi các thành phần cốt lõi vẫn đến từ chuỗi cung ứng Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã triển khai hiệu quả chiến lược đa dạng hóa thương mại, mang lại hiệu ứng phòng ngừa đáng kể trước các biện pháp thuế quan của Mỹ. Tỷ lệ kết hợp của các thị trường ASEAN, Trung Đông và Mỹ Latinh trong thương mại nước ngoài của Trung Quốc đã tăng từ 32% năm 2019 lên 47% vào năm 2023.
Những lợi ích từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chứng minh rằng việc mở rộng sang các thị trường khu vực đa dạng giúp các công ty Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Phản tác dụng và hiệu ứng Boomerang
Mặc dù Tổng thống Trump muốn đưa ngành sản xuất trở về Mỹ và tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu thông qua thuế quan bảo hộ, chính sách này được dự đoán sẽ phản tác dụng, cuối cùng làm suy yếu lợi ích của chính Mỹ.
Về lý thuyết, thuế quan làm tăng giá hàng nhập khẩu, buộc các công ty phải chuyển sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, kinh nghiệm năm 2018 cho thấy, gánh nặng thuế quan thực tế chủ yếu do người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ gánh chịu. Các nhà nhập khẩu Mỹ đã chuyển chi phí cho nhà bán lẻ và người tiêu dùng thông qua tăng giá, thay vì xây dựng lại chuỗi cung ứng trong nước.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, việc làm trong ngành sản xuất chỉ tăng 0,5% trong giai đoạn đó, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng - minh chứng cho sự thất bại của chính sách thuế quan.
Cùng với đó, việc đưa hoạt động sản xuất trở về Mỹ đối mặt với nhiều trở ngại lớn. Tại Mỹ, 30% sản phẩm trung gian được sử dụng trong sản xuất là hàng nhập khẩu, nên thuế quan trực tiếp đẩy giá các sản phẩm công nghiệp lên cao.
Thuế quan cao không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ mà còn khuyến khích các công ty đa quốc gia lách thuế bằng cách di dời đăng ký và thành lập cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Do đó, thay vì đưa sản xuất về nước, thuế quan có thể chuyển hướng sản xuất đi nơi khác.
Ngoài ra, bà Zhang lưu ý rằng Mỹ đang chuyển từ vai trò người bảo vệ hệ thống thương mại đa phương thành "bên phá hoại". Những thay đổi thường xuyên về chính sách thuế quan dưới thời Trump - như liên tục tăng rồi xóa bỏ thuế quan đối với Canada và Mexico - đã làm suy yếu nghiêm trọng lòng tin của các đối tác thương mại, kể cả đồng minh của Washington.
Nhiều quốc gia đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược thương mại với Mỹ và tìm kiếm đối tác mới. Về lâu dài, chính sách thuế quan có đi có lại của chính quyền Trump nhằm đẩy lùi toàn cầu hóa, nhưng những vấn đề cố hữu của nó sẽ chỉ đẩy nhanh xu hướng "phi Mỹ hóa" trên toàn cầu.
Chuyên gia Zhang kết luận, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt, các biện pháp thuế quan đơn phương và cứng nhắc không thể giải quyết những thách thức cấu trúc mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt. Thay vào đó, chúng có nguy cơ làm sâu sắc thêm sự cô lập của Mỹ và làm suy yếu vị thế của nước này trong hệ thống thương mại toàn cầu.