Hiệu ứng tích cực từ phong trào 'Bình dân học vụ số'
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, tỉnh Hà Nam đã chủ động triển khai phong trào 'Bình dân học vụ số' như một bước đi thiết thực nhằm phổ cập kiến thức công nghệ tới mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ dừng lại ở người dân vùng nông thôn hay những đối tượng đặc thù, phong trào đã lan tỏa rộng rãi tới các ngành, lĩnh vực, cũng như các cơ quan, đơn vị trên toàn địa bàn tỉnh.
Thông qua các hoạt động hướng dẫn, tập huấn sử dụng công nghệ số, truy cập dịch vụ công trực tuyến… Hà Nam đang từng bước xây dựng một cộng đồng công dân số nền tảng – chủ động, thích ứng và sẵn sàng tham gia vào tiến trình phát triển số hóa toàn diện của địa phương và đất nước.
Bà Lại Thị Hạnh (tổ 4, phường Lê Hồng Phong, Phủ Lý) hiện đang là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai trên địa bàn. Hằng tháng, bà Hạnh có nhiệm vụ giám sát sử dụng vốn của người vay theo mục đích xin vay, trực tiếp thu lãi và tiền gửi tiết kiệm hằng tháng của người vay… Để hỗ trợ quản lý nguồn tín dụng hiệu quả, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã đưa ứng dụng “Quản lý tín dụng cơ sở” vào hoạt động, và yêu cầu các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nhập lãi hằng tháng trên ứng dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng ứng dụng này trên điện thoại thông minh đối với người ngoài 60 tuổi như bà Hạnh cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Giống như nhiều người cao tuổi khác, bà Hạnh không quen với công nghệ và các ứng dụng trên điện thoại thông minh, dẫn đến việc thiếu tự tin khi sử dụng.
Bà Lại Thị Hạnh chia sẻ: “Thời gian đầu triển khai sử dụng ứng dụng này, tôi khá bối rối, công việc nhập lãi cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Nhưng sau khi được các cháu đoàn viên, thanh niên phường tới tận nhà để hướng dẫn, giờ đây tôi đã thao tác hết sức thành thạo không chỉ ứng dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội mà còn những ứng dụng khác như VNeID, PhuLy-S,… Các cháu hướng dẫn rất kỹ, không chỉ dừng lại ở thao tác hộ mà còn kiên nhẫn chỉ dậy tôi tự làm đi làm lại tới khi ghi nhớ hết các bước và trở nên thành thạo, tự tin khi sử dụng”.

Đội hình “Bình dân học vụ số” phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) hướng dẫn người cao tuổi trên địa bàn sử dụng các ứng dụng thông minh trên điện thoại.
Không chỉ riêng bà Lại Thị Hạnh, rất nhiều người cao tuổi, người kinh doanh nhỏ lẻ, người khó có điều kiện tiếp xúc với công nghệ… trên địa bàn phường Lê Hồng Phong đã được đoàn viên, thanh niên phường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng thành thạo các ứng dụng thông minh thông qua đội hình “Bình dân học vụ số”. Anh Phạm Quang Khánh, Bí thư Đoàn phường Lê Hồng Phong cho biết: Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân”, đội hình “Bình dân học vụ số” phường Lê Hồng Phong đã tích cực triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm quen, cài đặt và sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng thiết thực trên điện thoại thông minh như VNeID, phần mềm Sổ tay Đảng viên, ứng dụng phản ánh hiện trường PhuLy-S, chữ ký số VNPT SmartCA…
Một trong số đó là mô hình “Tuyến phố đô thị văn minh không sử dụng tiền mặt” được triển khai tới gần 70 hộ kinh doanh, người kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ… trên đường Đề Yêm. Hướng tới đối tượng là người ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ, đội hình “Bình dân học vụ số” phường chủ động lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp như hướng dẫn trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, dùng tờ rơi có thiết kế infographic đơn giản, dễ ghi nhớ. Điều đáng mừng là thông qua triển khai mô hình này, những người kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ như bán hàng rau, bơm vá xe… cũng đã được hỗ trợ lập tài khoản ngân hàng, hỗ trợ in mã QR và hướng dẫn sử dụng thành thạo các thao tác thanh toán trên ứng dụng.
Hưởng ứng Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2025, Tỉnh đoàn Hà Nam đã phát động nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, trong đó đặt mục tiêu mỗi xã thành lập ít nhất một đội hình “Bình dân học vụ số” hoạt động hiệu quả. Thời gian triển khai từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2025, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cải cách hành chính cho hơn 20.000 lượt thanh thiếu nhi và người dân. Các đội hình “Bình dân học vụ số” sẽ tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, truy cập Internet, sử dụng mạng xã hội an toàn, thành thạo các phần mềm văn phòng cơ bản; hỗ trợ tiếp cận dịch vụ công trực tuyến như đăng ký giấy tờ hành chính, khai báo y tế, bảo hiểm xã hội số, nộp thuế điện tử. Đồng thời, tổ chức tập huấn thương mại điện tử, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt, mua sắm trực tuyến, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Phong trào cũng tập trung vào việc hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát huy giá trị các sản phẩm OCOP của địa phương. Bên cạnh đó, các công trình thanh niên sẽ tham gia số hóa di tích lịch sử, địa điểm du lịch, tài liệu thư viện tại trường học, tổ chức các lớp học mở miễn phí dạy kỹ năng công dân số cho học sinh, sinh viên và người dân. Tỉnh đoàn cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến khích cán bộ đoàn sử dụng công cụ trợ lý trí tuệ nhân tạo “AI của Đoàn” phục vụ công tác, đồng thời triển khai và nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ “Tuổi trẻ AI”, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo và làm chủ công nghệ trong đoàn viên, thanh niên.
Phong trào “Bình dân học vụ số” đã và đang trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số tại Hà Nam, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hội nhập của người dân trong kỷ nguyên số. Thông qua các hoạt động thiết thực và sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, phong trào không chỉ hỗ trợ người dân phát triển kỹ năng số mà còn xây dựng một cộng đồng chủ động, sáng tạo và thích ứng mạnh mẽ với sự phát triển của công nghệ. Đây là bước đi vững chắc trong việc xây dựng nền tảng xã hội số, hướng tới một tương lai bền vững, nơi mọi người dân đều được trang bị kiến thức và công cụ để phát triển trong thế giới số hóa.