Hiểu về các lực lượng trong quân đội Mỹ

Các lực lượng trong quân đội Mỹ đảm nhiệm các nhiệm vụ và chịu sự chỉ huy của những bên khác nhau.

Vài tháng qua, hoạt động của binh sĩ Mỹ trong nội địa diễn ra sôi động. Các binh sĩ tại ngũ vận chuyển người di cư theo chính sách trục xuất mới của Nhà Trắng, trong khi một số khác được triển khai tới biên giới Mỹ - Mexico.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng có mặt tại biên giới. Ngoài ra, một số đơn vị Vệ binh Quốc gia còn tham gia chữa cháy rừng và hỗ trợ khắc phục hậu quả bão.

Theo trang Business Insider, lực lượng quân đội có nhiều loại khác nhau, và quy định về những gì họ được phép hoặc không được phép làm trên lãnh thổ Mỹ cũng khá phức tạp. Dưới đây là thông tin về các lực lượng khác nhau trong quân đội Mỹ.

 Một binh sĩ thuộc lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đang điều chỉnh hàng rào thép dọc theo bức tường biên giới ở bang California (Mỹ) ngày 4-2. Ảnh: THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ

Một binh sĩ thuộc lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đang điều chỉnh hàng rào thép dọc theo bức tường biên giới ở bang California (Mỹ) ngày 4-2. Ảnh: THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ

Sự khác biệt giữa quân nhân tại ngũ, Vệ binh Quốc gia và lực lượng dự bị?

Vệ binh Quốc gia có nguồn gốc từ thời kỳ thuộc địa của Mỹ. “Cách tốt nhất để hình dung về Vệ binh Quốc gia là xem họ như những dân quân điển hình” - bà Rachel VanLandingham, chuyên gia an ninh quốc gia và là GS tại Trường Luật Southwestern (Mỹ), nhận xét.

Trải qua hơn 250 năm, các lực lượng dân quân bang đã phát triển thành các đơn vị Vệ binh Quốc gia của từng tiểu bang, với tổng số khoảng 430.000 thành viên trên toàn nước Mỹ.

Vệ binh Quốc gia được tuyển từ những người dân trong cộng đồng như giáo viên, nhân viên ngân hàng, nhân viên xã hội,... Họ có thể được điều động để ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quyết định của thống đốc bang.

“Khi có nhu cầu, họ sẽ khoác lên mình quân phục. Nhưng họ trực thuộc bang của mình” - bà VanLandingham cho biết.

Theo bà Katherine Kuzminski, người phụ trách chương trình quân đội, cựu chiến binh và xã hội tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, có hai nhóm người chính tham gia Vệ binh Quốc gia. Đa số là những người vừa theo đuổi sự nghiệp dân sự vừa muốn phục vụ trong quân đội, hoặc là cựu binh tại ngũ chuyển sang phục vụ bán thời gian.

Tương tự lực lượng dự bị và quân nhân tại ngũ, các binh sĩ Vệ binh Quốc gia đều phải trải qua huấn luyện cơ bản, sau đó là đào tạo chuyên môn theo vị trí công tác, từ cơ khí, phi công, bộ binh đến nhân viên hành chính.

Do quân nhân tại ngũ thường đóng quân tại các căn cứ quân sự xa khu vực dân cư, người dân Mỹ ít có cơ hội tiếp xúc với họ. Thay vào đó, họ dễ quen biết người thuộc Vệ binh Quốc gia hoặc lực lượng dự bị hơn.

Giống như Vệ binh Quốc gia, lực lượng dự bị là phiên bản bán thời gian của quân đội chính quy. Nhiều quân nhân dự bị từng là quân nhân tại ngũ trước khi chuyển sang chế độ này. Không giống như Vệ binh Quốc gia, lực lượng dự bị thường thuộc các đơn vị đóng ngoài bang nơi họ sinh sống, nên có thể phải di chuyển hàng tháng để tham gia huấn luyện định kỳ.

Cả binh sĩ Vệ binh Quốc gia và quân nhân dự bị thường có nghĩa vụ phục vụ một tuần mỗi tháng, cùng ít nhất hai tuần liên tiếp mỗi năm để duy trì kỹ năng quân sự.

Trong khi đó, quân nhân tại ngũ ký hợp đồng phục vụ trong một số năm nhất định. Họ sống trong hoặc gần căn cứ quân sự được phân công. Họ phải tham gia huấn luyện dài ngày, làm nhiệm vụ qua đêm và luôn trong tình trạng sẵn sàng 24/7.

Các lực lượng này chịu sự chỉ huy của ai?

Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa Vệ binh Quốc gia, lực lượng dự bị và quân nhân tại ngũ nằm ở hệ thống chỉ huy và thẩm quyền pháp lý của họ.

Trước hết, chuỗi chỉ huy của quân nhân tại ngũ và lực lượng dự bị hoàn toàn thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, theo thứ tự từ các bộ trưởng quân chủng lên tổng thống. Các bang không có quyền kiểm soát đối với lực lượng dự bị.

Mỗi quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đều có lực lượng dự bị riêng, nhưng chỉ có Lục quân và Không quân có Vệ binh Quốc gia.

Theo bà Katherine Kuzminski, các bang không có nhu cầu duy trì lực lượng hải quân riêng, nên Bộ Hải quân (bao gồm cả Thủy quân lục chiến) không có Vệ binh Quốc gia. Hiện tại, Lực lượng Không gian (Space Force) cũng chưa có thành phần Vệ binh Quốc gia.

Lực lượng dự bị có thể “kích hoạt”, tức là chuyển sang chế độ tại ngũ trong một khoảng thời gian nhất định, có thể triển khai ra nước ngoài hoặc thực hiện nhiệm vụ hàng ngày tại căn cứ trong nước. Việc kích hoạt này thường thu hút những quân nhân dự bị muốn có thu nhập ổn định trong thời kỳ kinh tế bấp bênh hoặc mong muốn được phục vụ nhiều hơn.

Trong khi đó, cơ chế kiểm soát Vệ binh Quốc gia phức tạp hơn.

Phần lớn thời gian, Vệ binh Quốc gia chịu sự quản lý của thống đốc bang, bà VanLandingham giải thích.

Khi được thống đốc huy động, Vệ binh Quốc gia thường tham gia ứng phó với thảm họa thiên nhiên hoặc tình trạng khẩn cấp, như hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Helene ở North Carolina năm ngoái hoặc đối phó với cháy rừng tại California gần đây.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng từng được triển khai đến Điện Capitol vào ngày 6-1-2021 trong bối cảnh bạo loạn phản đối kết quả bầu cử. “Vệ binh Quốc gia thuộc về một quân chủng, nhưng chuỗi chỉ huy của họ đi qua thống đốc bang” - bà Kuzminski nói.

 Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang North Carolina khắc phục hậu quả Bão Helene vào tháng 10-2024. Ảnh: VỆ BINH QUỐC GIA LỤC QUÂN MỸ

Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang North Carolina khắc phục hậu quả Bão Helene vào tháng 10-2024. Ảnh: VỆ BINH QUỐC GIA LỤC QUÂN MỸ

Giới hạn pháp lý và tranh cãi xung quanh việc triển khai quân đội

Tổng thống hoặc thống đốc bang có thể yêu cầu “liên bang hóa” lực lượng Vệ binh Quốc gia, tức là đặt lực lượng này dưới sự điều động của chính phủ liên bang. Khi đó, các binh sĩ này sẽ phải tuân theo hệ thống luật khác áp dụng cho Bộ Quốc phòng, được gọi là Điều khoản 10.

Theo bà Kuzminski, lực lượng Vệ binh Quốc gia được liên bang hóa đóng vai trò quan trọng trong cuộc Chiến tranh chống khủng bố toàn cầu. Hàng trăm nghìn binh sĩ đã được triển khai trong những năm qua.

Tuy nhiên, việc chính phủ tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý về hoạt động của Vệ binh Quốc gia cũng gây tranh cãi trong thời gian gần đây. Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, ông đã điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia từ các bang khác đến Washington, DC — một khu vực không thuộc bang nào — để trấn áp biểu tình mà không liên bang hóa lực lượng này.

Một số chuyên gia cho rằng động thái này có thể làm suy yếu các luật ngăn cản việc sử dụng quân đội trong nước một cách vi hiến.

Các thống đốc có thể kích hoạt Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ thực thi pháp luật trong nước, nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hiến pháp.

Trong khi đó, Đạo luật Posse Comitatus cấm quân đội liên bang tham gia vào các hoạt động thực thi pháp luật trong nước. Để lách luật này, tổng thống có thể viện dẫn Đạo luật Chống Bạo Loạn. Gần đây, ông Trump đã nhiều lần đề xuất việc sử dụng quân đội trong nước, khiến một số chuyên gia pháp lý kêu gọi cải cách Đạo luật Chống Bạo Loạn để ngăn chặn việc lạm dụng.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/hieu-ve-cac-luc-luong-trong-quan-doi-my-post833931.html