Thủ tướng Đức ủng hộ không áp dụng phanh nợ đối với chi tiêu quốc phòng
Quy tắc phanh nợ của Đức được ghi trong hiến pháp buộc Đức phải cân đối thu chi bằng số tiền thu được. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt, phanh nợ mới được dỡ bỏ và chính phủ có thể vay thêm nợ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN đưa tin tại Munich, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới sau khi phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2025, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ tới đây của Đức nên tạo một ngoại lệ cho chi tiêu cho quốc phòng và an ninh để giải quyết vấn đề giới hạn nợ công được quy định trong hiến pháp nước này.
Quy tắc phanh nợ của Đức được ghi trong hiến pháp buộc Đức phải cân đối thu chi bằng số tiền thu được. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt, phanh nợ mới có thể được dỡ bỏ và chính phủ có thể vay thêm nợ mới.
Gần đây, Thủ tướng Olaf Scholz đã kêu gọi dỡ bỏ quy tắc phanh nợ này để mở đường tăng chi tiêu chính phủ.
Thủ tướng Scholz cảnh báo: "Chắc chắn không thể chi 2% GDP hay hơn nữa cho quốc phòng nếu không thay đổi quy định về phanh nợ đang áp dụng ở Đức," đồng thời nói thêm rằng chính phủ đang có tiền từ một quỹ bổ sung nhưng quỹ này sẽ hết hạn vào năm 2027.
Ông cho biết việc cắt giảm đầu tư trong nước và tăng thuế để chi trả cho quốc phòng không phải là con đường đúng đắn.
Ông cũng lưu ý nhiều quốc gia châu Âu đang phải đối phó với vấn đề tương tự.
Khi được hỏi liệu nên áp dụng miễn trừ chi tiêu quốc phòng tạm thời hay lâu dài, ông Scholz cho biết có thể là "trong thời gian dài hoặc có thể là vĩnh viễn."
Tất cả các nước Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đều có tỷ lệ nợ trên GDP trên 100%, trừ Đức. Mỹ, Italy và Nhật Bản đều nằm trong nhóm này.
Ông cho rằng đó là thực tế mà Đức phải đối mặt, đồng thời khẳng định Đức có sức mạnh, quyền lực và khả năng kinh tế để làm những gì cần thiết.
Thủ tướng Scholz nói thêm rằng nếu tăng chi tiêu bằng cách giảm mạnh các khoản đầu tư trong nước, người dân Đức chắc chắn sẽ không ủng hộ và đây là lý do tại sao phanh nợ phải được nới lỏng vì là giải pháp duy nhất cho vấn đề./.