Hiểu về 'Tính tướng viên dung' của pháp môn Tịnh độ
Pháp môn Tịnh độ y cứ vào ba bộ kinh: 'Vô lượng thọ, A Di Đà và Quán Vô lượng thọ kinh'; Tại Nhật được ngài Pháp Nhiên triển khai rộng rãi, gọi là Liên tông. Một số Thiền sư Trung Hoa cuối đời cũng chấp nhận pháp môn Tịnh độ.
Pháp môn Tịnh độ y cứ vào ba bộ kinh: “Vô lượng thọ, A Di Đà và Quán Vô lượng thọ kinh”; Tại Nhật được ngài Pháp Nhiên triển khai rộng rãi, gọi là Liên tông. Một số Thiền sư Trung Hoa cuối đời cũng chấp nhận pháp môn Tịnh độ.
Tác giả: Minh Mẫn
Nói đến pháp môn Tịnh độ, ta hiểu ngay trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Đây là pháp tối thắng mà thường bị lầm tưởng chỉ dành cho quần chúng căn cơ thấp.
Tổ Huệ Viễn (334-416) đời nhà Tấn, khai sáng pháp môn Tịnh độ, lần lượt truyền qua các cao tăng duy trì và phát triển, không những tại Trung Quốc, mà lan sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. (Truyền thuyết đời Đường ngài Phong Can là hóa thân của Phật A Di Đà). Ở Nhật gọi là Liên Tông, riêng Việt Nam có Liên tông Tịnh độ Non bồng do HT.Thiện Phước khai sáng vào thập niên 1960 tại Biên Hòa; Tịnh Độ cư sĩ Phật hội Việt Nam do đức Tông sư Minh Trí sáng lập năm 1934.
Sau này, từ gốc Tịnh độ đã sản sinh ra nhiều chi nhánh tùy căn cơ quần chúng mà hướng dẫn những khóa tu hoặc ngắn ngày hoặc dài ngày. Hằng năm, ở Bình Dương vẫn có khóa tu bách nhật trì danh tại Nhất Nguyên Bửu tự, liên tục 100 ngày, người tham dự không phải đóng bất cứ chi phí nào. Hầu như phần lớn các chùa đều áp dụng pháp môn niệm Phật, cũng hướng dẫn cho tín đồ, vì xem đây là pháp tu thích hợp với trình độ quần chúng. Chùa Hoằng Pháp cũng thường tổ chức khóa tu một ngày như vậy.
Pháp môn Tịnh độ y cứ vào ba bộ kinh: “Vô lượng thọ, A Di Đà và Quán Vô lượng thọ kinh”; Tại Nhật được ngài Pháp Nhiên triển khai rộng rãi, gọi là Liên tông. Một số Thiền sư Trung Hoa cuối đời cũng chấp nhận pháp môn Tịnh độ. Việt Nam có sư Giác Khang từng tu Thiền mà vẫn đề cao Tịnh độ; cố Hòa thượng Thiền Tâm và một số hành giả vẫn xem Thiền-Tịnh song tu là đôi cánh trên con đường hành trì.
Hành giả trì danh hiệu Phật A Di Đà là do 48 lời nguyện của Ngài hỗ trợ cho chúng sinh tin tưởng nhưng không đủ khả năng tự mình giải thoát; nương vào tha lực giúp cho tự lực được công viên quả mãn. Tuy nhiên, không chỉ miệng niệm là được, hành giả phải hội đủ ba đức là Tín – Hạnh – Nguyện; Đức tin sâu dày, thực hành chuyên cần (lợi hành cho tha nhân nữa) và tâm nguyện tha thiết.
Các phương cách khi thực hiện:
Giúp hành giả chế ngự tâm bằng cách lần tràng hạt và và đếm số lượng.
Thật tướng niệm phật (niệm tự tính Di Đà của mình)
Quán tưởng niệm phật là quán tưởng y báo chính báo nơi cõi Tịnh độ
Quán tưởng niệm phật nhìn vào hảo tướng của Phật mà quán xét
Trì danh niệm Phật ( HT.Thiền Tâm trình bày 10 phương cách: phản văn trì danh, sổ châu trì danh, tùy tức, truy đảnh, giác chiếu, lễ bái, ký thập, liên hoa).
Ngoài những phương cách trên, Kinh Phật còn dạy “tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo”.
Như vậy không chỉ niệm danh mà tự thân cũng phải chuyển hóa mọi tập khí, mọi hạt giống tiêu cực, đâu ỷ lại tha lực của đức Phật là đủ.
Lâu nay trì danh phải đủ 6 chữ gọi là lục tự Di Đà. Khởi đầu là Nam Mô (có nghĩa quay về, nương tựa, kính lễ…) NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT có nghĩa con xin kính lễ hay con xin quay về nương tựa đức Phật A Di Đà; sau này có một trường phái bỏ hai chữ Nam Mô, chỉ niệm A Di Đà Phật, vậy là dấy lên cao trào chống đối.
Người ta nghĩ là bỏ hai chữ “Nam Mô” mà chỉ kêu tên Di Đà là vô lễ. Cũng như gọi tên người lớn mà không có dạ thưa. Ở đây, vấn đề hiện rõ tâm đối ứng – người niệm là chủ thể, đức Phật là đối tượng khách thể. Có chủ có khách là còn đối đãi, còn sự tướng. Xem đức Phật là điểm để nương tựa trong tha lực, rất cần cho căn cơ phổ thông. Đây là pháp hành thuộc thể tướng.
Bỏ hai chữ “Nam Mô” không phải bất kính mà tự quay về nội thể: “tự tính Di Đà” trong mỗi người. Vô lượng thọ, vô lượng quang là thể tính trong mỗi chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nghĩa là tính giác trí tuệ; vì thế nhà Phật thường nói: “duy tuệ thị nghiệp”. Tự tính Di Đà biểu thị ánh sáng tuệ giác, hành giả tâm niệm A Di Đà Phật là luôn thể nhập tuệ giác chính mình.Bấy giờ không còn chủ thể và khách thể. An trú trong ánh sáng tâm thức để nhập định, biến “A lại da thức” thành bạch tịnh thức, từ năng lượng sinh thức chuyển qua năng lượng siêu thức mà không phải thông qua bất cứ pháp hành phức tạp nào. Đây là nhập vào thể tính. Phải chăng pháp môn niệm Phật vừa thích hợp cho mọi căn cơ, không thể xem là pháp tầm thường dành cho căn cơ thấp.
Tính tướng viên dung
Tác giả: Minh Mẫn
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hieu-ve-phap-mon-tinh-do.html