Hình ảnh Amazon cháy tang thương
Rừng Amazon vốn được mệnh danh là 'lá phổi của hành tinh' đang bị lửa tàn phá, khiến khói mù nhuộm đen bầu trời.
Trung tâm nghiên cứu không gian (INPE) – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát cháy rừng và phá rừng của Brazil – xác nhận tình trạng cháy rừng ở nước này trong năm 2019 lên tới ngưỡng kỷ lục.
Tính từ đầu năm đến ngày 20/8 đã có tới 74.155 đám cháy – tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đợt cháy hiện tại kéo dài đã 17 ngày qua và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Ở Sao Paulo, khói vì cháy rừng tỏa kín bầu trời, biến ngày thành đêm tối. Theo INPE, diện tích rừng bị phá hủy mỗi phút lớn hơn 1,5 sân bóng đá.
Chương trình vệ tinh của EU Copernicus mới đây công bố bản đồ cho thấy khói lan tận vùng ven biển Đại Tây Dương của Brazil, bao phủ hầu như nửa đất nước này và tràn sang các quốc gia láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.
Các nhà chức trách Brazil phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều khu vực. Giới khoa học cảnh báo thảm họa có thể tác động tiêu cực tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên Twitter bày tỏ lo ngại về tình trạng ở Amazon hiện nay.
Nhà lãnh đạo Pháp dùng cụm từ "khủng hoảng toàn cầu" để mô tả và kêu gọi đưa vấn đề ra thảo luận tại hội nghị G7 tại Biaritz ngày 24/8. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc bày tỏ "quan ngại sâu sắc", nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế không thể để "nguồn oxy chính của hệ sinh thái bị tổn hại thêm".
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã lập tức phản ứng giận giữ, gọi đây là hành động can thiệp nội bộ.
"Những quốc gia gửi tiền về đây, họ không gửi vì mục đích từ thiện đâu. Họ gửi tiền vào đây vì mục đích muốn can thiệp vào chủ quyền của chúng ta", ông tuyên bố trong một chương trình trực tiếp trên mạng xã hội Facebook.
Hôm 22/8, Tổng thống Brazil nhận định nước này không đủ nguồn lực để dập tắt hỏa hoạn khi cho rằng rừng Amazon lớn hơn cả châu Âu "làm sao bạn có thể chiến đấu với giặc lửa trên diện tích rộng như vậy?".
Rừng Amazon cung cấp 20% lượng oxy cho khí quyển Trái Đất, góp phần làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu và là ngôi nhà của vô số loài động thực vật. Với diện tích bằng một nửa nước Mỹ, đây là rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/hinh-anh-amazon-chay-tang-thuong-561347.html