Hình ảnh ATM gạo mùa dịch vào đề thi học sinh giỏi Văn tại TP.HCM

Từ hình ảnh cây ATM gạo nghĩa tình trong mùa dịch Covid-19 tại nhiều nơi trên cả nước, đề thi môn Văn học sinh giỏi lớp 9 tại TP.HCM đặt vấn đề về sáng tạo và yêu thương.

Sáng 10/6, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức thi học sinh giỏi cấp thành phố khối 9 và 12. Đáng chú ý, trong đề thi môn Văn lớp 9, cách đưa hình ảnh ATM gạo được các giáo viên đánh giá cao.

Trong câu hỏi nghị luận xã hội, đề đưa công thức nghĩa tình trong đại dịch Covid-19 được làm từ cây ATM + gạo + trái tim.

Cùng đó, đề đưa hình ảnh minh họa với những dữ liệu gợi ý: Sáng tạo là gì? Sáng tạo và yêu thương có liên quan gì nhau không? Phải chăng một trong những lý do của sáng tạo là yêu thương và những sản phẩm sáng tạo khởi đầu từ yêu thương luôn có giá trị đặc biệt?

Từ những gợi ý này, đề yêu cầu học sinh viết về "Những sáng tạo khởi nguồn từ yêu thương".

 ATM gạo vào đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 tại TP.HCM. Ảnh: GVCC.

ATM gạo vào đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 tại TP.HCM. Ảnh: GVCC.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên môn Văn, trường THCS Nguyễn Du (quận 1), đánh giá đề thi hay, phù hợp sàng lọc học sinh giỏi. Đặc biệt, cách ra đề phần nghị luận xã hội sáng tạo.

"Đề bài lấy vấn đề rất thực tế để bàn về tư tưởng, đạo lý. Đây là điều tôi thích nhất. Nó đòi hỏi học sinh phải nắm rất vững phương pháp làm bài, phải có kiến thức xã hội và tư duy logic mới lập luận rõ được vấn đề nghị luận", thầy Bảo nói.

Theo giáo viên này, các câu hỏi mang tính gợi mở, giúp học sinh đi đúng hướng khi làm bài, nhưng vấn đề không đơn giản. Hơn nữa, hình thức đề không lặp lại theo công thức thường thấy, mà có sự sáng tạo riêng.

Phần nghị luận văn học khá khó, phù hợp thi học sinh giỏi, chọn ra những em vượt trội. Có lẽ vì khó, đề bài đã cho sẵn gợi ý nội dung cần viết. Điều quan trọng là học sinh có nhìn ra gợi ý để vận dụng vào bài làm hay không.

"Việc chọn dẫn chứng cũng đòi hỏi học sinh có nhiều trải nghiệm văn học. Nếu chỉ nắm vững tác phẩm trong chương trình thì chưa đủ", giáo viên trường THCS Nguyễn Du nhận định.

Theo thầy Bảo, học sinh muốn viết tốt chắc chắn phải từng có những cảm xúc vui, buồn, mừng, giận khi đọc tác phẩm văn học mới giải quyết được yêu cầu đề bài.

Dù khó, cái hay của cả 2 câu đều có gợi mở, định hướng làm bài ngay trong đề. Vấn đề còn lại là học sinh có nhìn ra và biết khai thác, tận dụng tối đa những gợi ý cho sẵn.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/atm-gao-mua-dich-covid-19-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-van-tai-tphcm-post1094235.html