Hình ảnh hiếm binh sĩ Nga sử dụng tên lửa 'kèn Fagot' từ thập niên 1960
Dưới đây là hình ảnh hiếm về binh sĩ Nga sử dụng tên lửa chống tăng sản xuất từ thập niên 1960 tác chiến ở Ukraine.
Theo video được trang quân sự Voenhronika.ru đăng tải đêm 30/8, binh sĩ Nga đã dùng tên lửa chống tăng 9M111 ‘kèn Fagot’ ngắm bắn mục tiêu đối phương tại một khu vực không xác định ở Ukraine.
9M111 ‘kèn Fagot’ là tên lửa điều khiển chống tăng được Phòng Nghiên cứu Tula KBP của Nga thiết kế và phát triển vào giữa thập niên 1960. Mỗi tổ hợp chiến đấu Fagot có ba thành phần chính gồm tên lửa chống tăng, bộ điều khiển ngắm bắn và giá đỡ.
Tên lửa Fagot nặng 13kg, trong đó phần đầu đạn nổ lõm chống tăng (HEAT) có khối lượng 1,7kg; dài 110cm; đường kính 12cm. Đầu đạn HEAT trang bị cho Fagot đủ khả năng xuyên 400mm thép đồng nhất của khí tài đối phương.
Theo dữ liệu từ trang Military Today, bệ phóng Fagot được trang bị bộ điều khiển ngắm bắn laser bán tự động SACLOS, tức xạ thủ sẽ phải chiếu tia laser và điều khiển tên lửa chống tăng bám theo tia laser đó đến vị trí mục tiêu. Tầm hoạt động xa nhất của hệ thống điều khiển laser này có thể lên tới 2km, với tỷ lệ bắn trúng mục tiêu đối phương đạt 80-90%.
Để tăng cường khả năng tác chiến của Fagot trong môi trường chiến tranh hiện đại, nhất là khi các trang thiết bị quân sự được lắp giáp phản ứng nổ (ERA), giới khoa học quân sự Liên Xô đã chế tạo tên lửa 9M111-2 trang bị đầu đạn nổ lại (Tandem) để đối phó với loại giáp này.