Hình ảnh mới về chuyến bay Jeju Air gặp nạn cho thấy không phải va phải chim?
Nguyên nhân chuyến bay Jeju Air (Hàn Quốc) gặp nạn được cho là do va phải chim. Tuy nhiên, hình ảnh mới đưa ra - được ghi trong những khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay này - lại 'thách thức' giả thuyết đó.
Hình ảnh mới về chuyến bay Jeju Air (Hàn Quốc) gặp nạn ở Sân bay Quốc tế Muan mới được đưa ra trên kênh KBS vào tối thứ Hai, theo trang Korea JoongAng Daily.
Trong khoảng thời gian từ khi máy bay gặp nạn (29/12 năm ngoái) đến nay, giả thuyết phổ biến nhất về nguyên nhân là máy bay đã va phải chim, dẫn đến hỏng động cơ. Tuy nhiên, hình ảnh mới có thể phủ nhận giả thuyết đó.
Nhìn trên hình ảnh của kênh KBS, có thể thấy lửa và khói bốc ra từ động cơ bên phải của máy bay. Theo Korea JoongAng Daily, ngay sau đó, máy bay đột ngột giảm độ cao xuống mức khoảng 50 mét. Nhưng rồi dường như máy bay lại bay cao lên được một chút. Trong suốt quá trình máy bay cố gắng hạ cánh, vẫn có âm thanh được cho là tiếng động cơ.

Trong hình ảnh mới, có thể thấy khói bốc ra từ động cơ bên phải của chiếc máy bay gặp nạn. Ảnh: Yonhap.
Theo KBS thì hình ảnh này được ghi lại từ một vị trí gần kho chứa máy bay của Cảnh sát Biển ở Sân bay Muan. Thời điểm ghi lại là 1 phút 20 giây sau khi phi công phát tín hiệu cấp cứu.
Một nhà chức trách (giấu tên) từ Bộ Giao thông của Hàn Quốc nhận định: “Lúc đó máy bay có thể không hoạt động bình thường, nhưng với âm thanh ấy, có thể hiểu là động cơ vẫn hoạt động ở mức độ nào đó. Ngoài ra, việc máy bay lấy lại độ cao, dù chỉ một chút, cũng sẽ là rất khó khăn nếu không có chút lực đẩy nào của động cơ”.

Người thân của các nạn nhân trong vụ tai nạn Jeju Air bật khóc ở nơi tưởng niệm tại Sân bay Muan vào ngày 5/4. Ảnh: Yonhap.
Nếu âm thanh được xác nhận là của động cơ máy bay, thì những giả thuyết đã có về nguyên nhân và tiến trình của vụ tai nạn có thể đều cần được xem lại. Giả thuyết hiện tại là 2 động cơ đều hỏng khi máy bay hạ cánh do va phải chim - khiến nguồn điện trong máy bay bị tắt hết và máy bay mất kiểm soát. Việc dữ liệu hộp đen dừng lại khoảng 4 phút trước khi tai nạn xảy ra cũng được cho là do mất nguồn điện.
Nhưng nếu động cơ vẫn hoạt động phần nào, điện vẫn có, thì các nhà điều tra sẽ phải xem xét tại sao hộp đen ngừng ghi dữ liệu, tại sao càng đáp không bung, tại sao tốc độ máy bay không giảm sau khi máy bay hạ cánh bằng bụng… Tức là, những giả thuyết khác có thể cần được nghĩ đến, như lỗi sản xuất hoặc lỗi bảo trì.

Những dải băng được buộc ở hàng rào Sân bay Muan vào ngày thứ 100 kể từ khi vụ tai nạn máy bay Jeju Air xảy ra. Ảnh: JoongAng Ilbo.
Phát ngôn viên của Ủy ban Điều tra Tai nạn Đường sắt và Hàng không cho biết Ủy ban đã có những hình ảnh mới và đang phân tích từ nhiều góc độ, dù sao, cũng cần thời gian để có thể xác định rõ ràng được nguyên nhân.