Hình ảnh phụ nữ qua truyện cổ tích 'Cinderella' và 'Frozen'
Cuốn 'Love Lives' đã giải thích sự thay đổi quan niệm sống của phụ nữ từ năm 1950 đến nay qua hai bộ phim hoạt hình 'Cinderella' và 'Frozen'.
Bộ phim chuyển thể từ truyện cổ tích Cinderella năm 1950 của Disney là một thành công vang dội giúp hãng phim này thoát khỏi tình trạng phá sản.
Năm 2013, hãng phát hành một bộ phim công chúa khác là Frozen, tác phẩm cũng trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Kỳ vọng lớn vào hôn nhân
Carol Dyhouse, tác giả cuốn Love Lives, cho rằng sự khác biệt giữa hai câu chuyện này trong lịch sử xã hội cho thấy sự thay đổi trong cuộc sống của phụ nữ qua 63 năm đó.
Câu chuyện trở nên giàu có của Cinderella đã tạo được tiếng vang với những phụ nữ phải vật lộn với sự thắt lưng buộc bụng thời hậu chiến, vì nó gợi ý rằng những gì họ cần làm là kết hôn và sau đó họ sẽ sống hạnh phúc mãi mãi. Theo đó, tỷ lệ cô dâu dưới 21 tuổi tăng từ 14,9% năm 1921 lên 40% năm 1965.
Đối với phụ nữ trẻ, hôn nhân là lựa chọn “sự nghiệp” khả thi nhất.
Theo một cuộc khảo sát năm 1956, trong đó các nữ sinh được hỏi về nguyện vọng của họ, phần lớn câu trả lời là kết hôn và sinh con càng sớm càng tốt. Nhưng có một thông tin gây sốc là hơn một phần ba mơ tưởng về người chồng tương lai của họ chết trẻ. Sau khi một người đàn ông đảm bảo tài chính và làm cha cho con cái, “các cô gái cho rằng người đàn ông không còn nhiều giá trị sử dụng”.
Cuộc sống vợ chồng thường được cho là bí bách hơn một chuyến đi xe ngựa. Nhiều phụ nữ cảm thấy nếu kết hôn sớm, họ sẽ lãng phí tuổi thanh xuân của mình.
Nhiều hình ảnh về bà nội trợ bất mãn đã xuất hiện trên các tạp chí y tế cùng lời khuyến khích bác sĩ kê cho họ những loại thuốc thay đổi tâm trạng.
Chuyển mình với lối sống tự tin
Tuy nhiên, trong những thập kỷ sau đó, quan niệm sống của phụ nữ đã thay đổi, không phải bởi làn sóng đũa thần của bà tiên đỡ đầu, mà bởi sự ra đời của thuốc tránh thai, mở rộng cơ hội giáo dục.
Vào những năm 1970, xu hướng kết hôn trẻ đã đảo ngược đáng kể. Vào những năm 1990, nhiều cô gái muốn tiếp tục đi học để cải thiện triển vọng việc làm của họ.
Dù vậy, khái niệm lãng mạn từ câu chuyện của nàng Cinderella rất khó để rũ bỏ. Những hiện tượng như Sex And The City và Bridget Jones là sự kết hợp cho thấy sự lãng mạn được lồng vào những khó khăn và vật lộn của người phụ nữ với những yêu cầu như sự cạnh tranh trong công việc và các mối quan hệ.
Nhưng vẫn còn một thị trường khổng lồ cho “văn hóa công chúa”: Sau khi dòng sản phẩm Princess ra đời, doanh thu toàn cầu của Disney Consumer Products đã tăng từ 300 triệu USD năm 2001 lên ba tỷ USD năm 2006.
Tác giả Dyhouse cũng nhận định rằng các công chúa Disney “dễ thương hơn và có nhiều điều hơn để truyền tải hơn về họ ngày nay”. Năm 2009, phim The Princess And The Frog có hình ảnh công chúa Disney người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người thay vì hy vọng được gặp một chàng hoàng tử bảnh bao, đã khao khát được mở nhà hàng của riêng mình.
Và trong Frozen, Elsa được cứu không phải bởi nụ hôn của tình yêu đích thực mà là do em gái của cô, Anna, người đặt mình giữa Elsa và thanh kiếm độc ác của Hoàng tử Hans.
“Niềm tin vào một kết thúc có hậu, với sự khám phá đơn giản về tình yêu đích thực của một người, không còn được tập trung nữa”, cuốn Love Lives viết.