Hình ảnh thị trấn và nghĩa trang ở Bắc Gaza bị tàn phá trong xung đột Israel - Hamas
Đổ nát và tan hoang là những gì mà người ta nhìn thấy ở thị trấn Jabalia thuộc Bắc Gaza. Đáng buồn hơn, xung đột còn khiến nhiều ngôi mộ ở nghĩa trang Falujja nằm trên địa bàn của thị trấn này không còn nguyên vẹn.
Ngày 13/12, hãng tin Reuters đã phát đi những video cho thấy bom đạn trong xung đột Israel – Hamas đã tàn phá thị trấn Jabalia ở Bắc Gaza kinh khủng như thế nào.
Ở đoạn video đầu tiên, người ta thấy thị trấn Jabalia dường như không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn, tất cả đã đổ sụp, vẹo nghiêng với những bức tường lỗ chỗ vết bom đạn.
Tại đó, những cư dân còn bám trụ lại di chuyển lặng lẽ qua đống đổ nát và cơn mưa khiến con đường vốn cũng bị cày xới bởi bom đạn càng trở nên tồi tệ hơn.
Trong một đoạn video khác, nghĩa trang Falujja ở thị trấn Jalabia không còn nguyên vẹn, nhiều ngôi mộ bị cày lên cùng bia mộ vỡ nát.
Và ở đó, người ta nhìn thấy vệt bánh xích.
Xung đột giữa Israel và Hamas tới nay đã bước sang tháng thứ 3 và Liên hợp quốc đã phải lên tiếng cảnh báo về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza.
Phát biểu với báo giới ngày 12/12 tại tại Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) Volker Turk nhấn mạnh tình hình nhân đạo tại vùng lãnh thổ này hiện vô cùng bấp bênh, thậm chí đang bên bờ vực thẳm và kêu gọi các bên xung đột ở Gaza tôn trọng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.
Phát ngôn trên của người đứng đầu OHCHR được đưa ra sau khi Israel tiếp tục ném bom vào Dải Gaza, hơn 2 tháng sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10.
Liên hợp quốc ước tính 1,9 triệu người tại vùng lãnh thổ có 2,4 triệu dân này đã phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, trong đó 50% là trẻ em.
Cùng ngày, hãng Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định Israel đang bắt đầu đánh mất sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, sau khi nước này ném bom vào Gaza khiến nhiều thường dân Palestine thiệt mạng.
Phát biểu tại sự kiện gây quỹ tranh cử ở Washington, ông Biden nêu rõ: “Họ (Israel) đang bắt đầu mất đi sự ủng". Tổng thống Biden cũng cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cần thay đổi chính phủ theo đường lối cứng rắn hiện nay của Israel. Theo ông, Chính phủ Israel “không muốn giải pháp hai nhà nước”, hướng đi mà Washington đã kêu gọi thúc đẩy sau khi xung đột Hamas - Israel nổ ra.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận, mặc dù Mỹ ủng hộ mục tiêu của Israel tiêu diệt Hamas và giải cứu con tin, giữa hai bên tồn tại bất đồng quan điểm về việc quản lý Gaza sau khi kết thúc chiến tranh. Ông Netanyahu tuyên bố, Gaza sẽ không thuộc về Hamas hay phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas; khẳng định sẽ không cho phép Israel lặp lại sai lầm của Hiệp ước Oslo năm 1993, theo đó giao cho người Palestine quyền tự chủ hạn chế tại Bờ Tây và Gaza.
Cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu với vụ tấn công của các tay súng thuộc phong trào Hồi giáo Hamas làm 1.200 người ở Israel thiệt mạng hôm 7/10 và khiến khoảng 240 người trở thành con tin.
Sau đó, Israel đáp trả bằng chiến dịch không kích và trên bộ, nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza.
Theo số liệu của cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành, chiến dịch tấn công đáp trả của Israel đã làm hơn 18.000 người thiệt mạng, chủ yếu là thường dân.
Theo Trung tâm vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT), tính đến ngày 26/11 đã xác định được 10.049 công trình bị phá hủy, 8.243 công trình bị hư hỏng nặng và 19.087 công trình bị hư hỏng vừa phải, tổng cộng 37.379 công trình bị ảnh hưởng. Điều này tương ứng với khoảng 18% tổng số công trình ở Dải Gaza đã bị phá hủy kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.
Xem video thị trấn Jalabia ở Bắc Gaza và nghĩa trang Falujja tại đây bị tàn phá trong xung đột Israel - Hamas. Nguồn: Reuters