Hình ảnh thú vị của Hà Nội trong mắt một người mẹ nhà quê
Đó là những hình ảnh rất vui và tinh tế trong bài thơ sau đây của nhà thơ Lê Đình Cánh:MẸ RA HÀ NÔỊMẹ ra Hà Nội thăm conVừa trên tàu xuống chân còn run runÁo nâu còn đẫm mưa phùn
Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non
Sang đường tay níu áo con
Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều
Khoác vai mẹ, chiếc đãy nghèo
Năm xưa thắt lại bao điều đắng cay:
Đưa con trốn ngục những ngày
Vài lưng gạo hẩm thăm thầy trong lao . . .
Đã từng mở giữa trời sao
Nắm cơm tiếp vận tay trao giữa đèo
Củ khoai bẻ nửa nắng chiều
Bờ mương thoai thoải dài theo công trường
Đưa con đánh Mỹ lên đường
Nắm cơm mẹ gói tình thương quê nhà
Bà ra bế cháu của bà
Những mong cùng ước lòng bà hôm mai
Lên thang chẳng dám bước dài
Vào khu tập thể gặp ai cũng chào
Lời ru bà thuộc thuở nào
Qua bom đạn vẫn ngọt ngào nắng trưa
Để hồn cháu có núi Nưa
Tiếng cồng Bà Triệu ngày xưa vọng về
Lam Sơn rừng núi ba bề
Lũng Nhai vọng mãi lời thề nước non
Trải bao sông cạn đá mòn
Còn con còn cháu nên còn cha ông
Mới xa đã nhớ ruộng đồng
Thương con mà chẳng đành lòng ở lâu
Run run mẹ bước lên tàu
Vị bùn vẫn thoảng áo nâu quê nhà.
Nếu không có mấy cái địa danh như núi Nưa, Lam Sơn, Lũng Nhai và tên riêng Bà Triệu để chỉ vùng quê Thanh Hóa, thì bà mẹ này có thể đại diện cho hầu hết các bà mẹ nông thôn Việt Nam trong thời đại chúng ta, tức là thời đại đánh giặc và dựng xây vào nửa sau thế kỷ hai mươi. Về mặt ý tứ, bài thơ chẳng bỏ sót một thứ gì trong bảng thành tích của mẹ, đương nhiên là tất cả đều được diễn đạt bằng thơ, giản dị nhưng không thiếu hình tượng. Từ việc nước đến việc nhà, việc chung đến việc riêng và thường khi là cả hai thứ đó không dễ phân biệt rạch ròi, chẳng hạn việc nuôi chồng "vài lưng gạo hẩm thăm thầy trong lao", hoặc việc chăm lo cho con:
Đưa con đánh Mỹ lên đường
Nắm cơm mẹ gói tình thương quê nhà
Trong việc nước có việc nhà và ngược lại, đó là đặc điểm rất rõ của những thời như ta đã và đang sống. Không chỉ làm nghĩa vụ của hậu phương, những người phụ nữ của chúng ta còn đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu:
Đã từng mở giữa trời sao
Nắm cơm tiếp vận tay trao giữa đèo
Đó là mẹ đi dân công, một công việc nối liền hậu phương với tiền tuyến, công việc mà trong hai cuộc kháng chiến người dân Thanh Hóa, quê hương của người mẹ này, có rất nhiều đóng góp.
Và mẹ còn tham gia công việc xây dựng, dĩ nhiên:
Củ khoai bẻ nửa nắng chiều
Bờ mương thoai thoải dài theo công trường
Những câu thơ viết về chiến đấu và sản xuất có vẻ như hơi "mỹ hóa" tô vẽ mọi sự lên một tí nhưng trong tâm thế ấy nói như vậy cũng là phải. Dẫu sao, đó cũng là những ý thơ, câu thơ buộc phải bày biện ra cho đủ. Cả đoạn hai của bài này là bảng tổng kết khá hoàn hảo nhờ người viết khéo lựa chọn chi tiết và tìm tòi hình ảnh. Trong nghề thơ vẫn có những lúc phải vậy, người làm thơ biết thế và những bạn đọc hiểu thơ cũng biết.
Bước qua phần thủ tục "giới thiệu thân thế sự nghiệp", ta đến với phần then chốt và là tất cả tinh anh của bài thơ. Hình ảnh một người mẹ nông thôn ra thăm con cháu ở thành phố. Môtíp đối lập nông thôn với thành phố, truyền thống với hiện đại vốn không xa lạ với văn học. Thành công của nhà thơ Lê Đình Cánh là tài đưa chi tiết vào thơ. Chi tiết vốn là đặc trưng của văn xuôi, nhưng trong thơ, nhất là thứ thơ khách quan nói bằng hình tượng, chi tiết cũng rất có giá. Nếu những chi tiết kiểu như:
Áo nâu còn đẫm mưa phùn
Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non
Vẫn chưa có gì thật độc đáo, thì chi tiết tiếp theo đã khá thú vị vì tính chính xác và chở được nỗi niềm:
Sang đường tay níu áo con
Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều
Cùng lúc có cả hai nét ngộ nghĩnh và thương mến của một người từ nông thôn ra thành phố và một người già tới nơi tấp nập. Ta cảm nghe trong cái hình ảnh người mẹ già như bé dại trở lại bên người con đã trưởng thành giữa nơi lạ lẫm một nỗi gì nửa buồn nửa vui, nửa thương nửa xót, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì thấy phần vui và thương vẫn lấn lướt, quy luật của cuộc sống rốt cuộc vẫn được nhìn bằng con mắt thật nhân hậu. Là bởi vì người mẹ, người bà quê mùa và già nua mắt mờ chân chậm kia không hề lạc lõng giữa một nơi xa lạ và có vẻ như đầy đe dọa kia, đã có một sợi dây ràng buộc bà với nơi đây, một sợi dây bền chắc và đáng tự hào của huyết thống:
Bà ra bế cháu của bà
"Cháu của bà", giá như ở một hoàn cảnh khác thì điều này cũng thường tình vậy thôi, nhưng ở đây cái gạch nối ngỡ mong manh của sợi dây huyết thống ấy nghe thiêng liêng và ấm lòng kỳ lạ, một câu thơ giản dị mà nắm bắt được cả một kịch tính bên trong, tưởng dễ mà chưa hẳn đã dễ. Nhưng đến câu thơ sau đây khi tả tính cách của người mẹ già nhà quê xa thành phố thì là cả một chi tiết đầy thú vị:
Lên thang chẳng dám bước dài
Vào khu tập thể gặp ai cũng chào
Câu trên còn là câu đệm, nhưng câu dưới là một "thần cú" chỉ thột nét bút mà vẽ ra mồn một thần thái, tính cách của một con người, không đúng, của cả một cộng đồng người trong một bối cảnh sinh động và xác đáng đến tài tình. Một chi tiết hồn nhiên tưng tửng thế thôi nhưng là điểm lóe sáng của cả bài, giúp cho bài thơ có thể còn dài dòng này lưu giữ lại được trong lòng người đọc. Đó là sức nặng của chi tiết trong thơ. Cũng như thế, tác giả còn có thêm những ý tưởng thật thú vị, chẳng hạn:
Trải bao sông cạn đá mòn
Còn con còn cháu nên còn cha ông
Nghe như hơi hướng từ câu ca dao "Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông". Tôi cứ nghĩ nghịch lý hay chân lý cũng là do góc nhìn, và một nhận xét nghe có vẻ hơi nói ngược như câu thơ trên nhưng thực sự chính là một chân lý.