Hình ảnh Tonga 'một trời một vực' trước và sau thảm họa núi lửa
Núi lửa phun trào kéo theo sóng thần vào cuối tuần qua khiến một số khu vực ở Tonga gần như biến thành 'tro bụi'.
Theo trang tin Guardian, Trung tâm Vệ tinh Liên Hợp Quốc (UNOSAT) trong hôm nay (18/1) đã công bố những hình ảnh đầu tiên về mức độ thiệt hại ở Tonga sau trận núi lửa phun trào gây ra sóng thần.
Những bức ảnh của UNOSAT cho thấy, các đảo như Fonoifua, Niniva, Nomuka và Mango thuộc lãnh thổ Tonga đều đã bị tàn phá. Một số khu vực bị ảnh hưởng nhẹ hơn chỉ có tro bụi núi lửa phủ dày đặc các mái nhà và đường xá bị ngập lụt. Trong khi đó, ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn như đảo Atata, nhiều tòa nhà đã bị xóa sổ, và những phần kết cấu còn sót lại đều bị ngập trong nước.
Đảo Fonoifua cũng được cho là "bị phá hủy diện rộng, với các tòa nhà lớn nhất bị phá hủy hoặc hư hại nặng". Còn Mango, một đảo nằm ở vị trí thấp so với mặt biển, bị tàn phá với mức độ "thảm họa". Liên Hợp Quốc đã phát hiện tín hiệu cầu cứu đáng lo ngại ở đảo này.
Vụ phun trào của núi lửa dưới đáy biển Hunga Tonga-Hunga Ha‘apai, cách thủ đô của Tonga 65 km về phía bắc, được cho là thảm họa phun trào núi lửa lớn nhất trong 30 năm qua ở đảo quốc Thái Bình Dương.
Do ảnh hưởng từ phun trào núi lửa và sóng thần khiến các đường dây mạng bị cắt đứt, Tonga gần như vẫn chưa thể liên lạc được với thế giới bên ngoài. Hình ảnh về mức thiệt hại của nước này chủ yếu thu được từ vệ tinh và máy bay của lực lượng cứu hộ.
Ngày hôm nay, trong thông báo chính thức đầu tiên kể từ sau vụ núi lửa phun trào, Chính phủ Tonga đã xác nhận hai cư dân địa phương và một công dân Anh tên Angela Glover đã thiệt mạng do ảnh hưởng từ các vụ thảm họa cuối tuần qua. Thông báo cũng cho biết, hải quân Tonga cùng các đội chăm sóc y tế và cung cấp nước sạch, thực phẩm và lều trại đã được điều động tới các hòn đảo xa xôi nhất của nước này để khắc phục hậu quả từ thảm họa núi lửa.