Hình ảnh xấu xí của 'cò đặc sản' và hướng dẫn viên du lịch
Video xuất hiện mới đây trên mạng xã hội có nội dung tranh giành để đưa khách du lịch tới các cơ sở kinh doanh 'đặc sản Đà Lạt' giữa một người được cho là 'cò đặc sản', người còn lại là hướng dẫn viên du lịch khiến cộng đồng mạng ngao ngán bởi lối ứng xử thiếu chuẩn mực, hành vi khiếm nhã.
Hai người này đã gây ra vụ cãi vã eo xèo ngay tại bãi để xe của Khu du lịch Cáp Treo, TP Đà Lạt. Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) xác định họ gồm ông Phan Nguyễn Duy Anh, hướng dẫn viên du lịch tới từ tỉnh Khánh Hòa và ông Thái Hữu Thanh (ngụ phường 8, TP Đà Lạt), người được cho là “cò đặc sản Đà Lạt”. Sự việc xảy ra vào ngày 17/7 trước sự chứng kiến của hàng trăm du khách.
Nội dung đoạn video được đưa lên mạng cho thấy, thời điểm này ông Thanh cầm trên tay một tờ giấy cùng lời nói có nội dung “tố” phía của ông Anh “cướp” khách của ông để dẫn tới một cơ sở kinh doanh “đặc sản Đà Lạt” khác nhằm ăn phần trăm cao hơn. Trong lúc cãi vã, ông Thanh đã “văng” ra những lời chửi tục. Người quay video phía ông Anh cũng có những hành vi chẳng kém, không văng tục chửi mắng nhưng cũng có nhiều lời nói với nội dung đầy khiêu khích, bịa đặt như: “Bên em có chính quyền bảo kê!..”.
Sở dĩ xảy ra vụ cãi vã trên là ông Thái Hữu Thanh muốn đưa đoàn khách trên tới mua sắm tại cơ sở kinh doanh đặc sản Sky (số 368, đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt), còn phía ông Phan Nguyễn Duy Anh lại muốn đưa khách của mình tới Trung tâm mua sắm đặc sản Đà Lạt Hương Đà (số 7, đường Trần Quốc Toản, TP Đà Lạt).
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc tương tự đã từng xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt. Sự co kéo, tranh giành khách đến ăn uống, mua sắm giữa các cơ sở kinh doanh đã khiến hình ảnh thành phố “hiền hòa, thanh lịch và mến khách” được chính quyền và người dân địa phương nỗ lực xây dựng bị ảnh hưởng. “Cao điểm” của các vụ tranh giành khách là xảy ra đâm chém lẫn nhau giữa các nhóm và đã từng có người thiệt mạng. Đối với hành vi của ông Thái Hữu Thanh và phía ông Phan Nguyễn Duy Anh không thiếu các chế tài để xử lý.
Liên quan đến sự việc trên, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Lạt đã phối hợp với Phòng Kinh tế TP Đà Lạt tiến hành kiểm tra hai địa điểm kinh doanh đặc sản này. Tại thời điểm kiểm tra, 2 cơ sở đều đang bày bán một số mặt hàng đặc sản các loại như mứt mơ, thang thuốc Ama Kông, đậu xanh hột, chuối hột rừng, khoai lang dẻo, Minh Mạng thang, nấm linh chi, mứt các loại… nhưng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, niêm phong và tạm thu giữ một số mặt hàng đặc sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ có tổng trị giá trên 50 triệu đồng.
Nhiều năm qua, tình trạng các cơ sở kinh doanh “Đặc sản Đà Lạt” đua nhau chi phần trăm cho “cò”, hướng dẫn viên du lịch và tài xế đưa khách tới cơ sở của mình mua sắm đã hình thành những “luật ngầm”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa điểm kinh doanh này. Du khách tới Đà Lạt tham quan cũng thường xuyên bị quấy nhiễu bởi một lực lượng “cò” hùng hậu, thậm chí bị các đối tượng lừa đảo. Phổ biến nhất là hình thức dụ dỗ khách tới tham quan vườn dâu tây với những mĩ từ, như hái dâu thưởng thức miễn phí tại vườn, mua dâu giá rẻ, chỉ từ 20.000 đồng/kg... Tuy nhiên, trước khi được “cò” đưa tới vườn dâu tây, du khách bị “áp tải” tới những “cơ sở đặc sản Đà Lạt” để mua sắm trước. Sau đó, các đối tượng đưa khách tới vườn dâu nào đó rồi nhanh chóng bỏ đi. Khách vào vườn hái dâu khi ra tính tiền mới biết 1kg dâu tây ở đây có giá từ 200.000 – 300.000 đồng, thậm chí còn cao hơn. Khi du khách phản ứng thì chủ vườn cho biết không hề quen biết với nhóm “cò” trên, vườn dâu cũng không có liên kết, quan hệ gì với cơ sở đặc sản mà trước đó khách bị “áp tải” vào mua sắm. Lúc này, du khách mới ngớ người vì mình đã bị nhóm “cò” lừa.