Hình hài siêu trung tâm nông sản Tây Đô

Chủ trương, sự cần thiết thành lập một siêu trung tâm nông sản vùng tại Cần Thơ đã được Quốc hội quyết, các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư gần như được 'mở hết cỡ'. Vấn đề còn lại là phác họa hình hài, định vị không gian, thu hút nguồn lực, vận hành trung tâm hiệu quả.

Người dân và DN vùng ĐBSCL rất kỳ vọng một siêu trung tâm nông sản tại Cần Thơ.

Người dân và DN vùng ĐBSCL rất kỳ vọng một siêu trung tâm nông sản tại Cần Thơ.

Nhiều kỳ vọng, lắm băn khoăn

Nghị quyết 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ, giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Trung tâm là khu vực có ranh giới địa lý xác định, phù hợp với các quy hoạch có liên quan, thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản.

Các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư được áp dụng thí điểm trong 5 năm (2022-2027), gần như được “mở hết cỡ”. Doanh nghiệp (DN) có dự án đầu tư tại trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN) 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản đến 3 năm, được miễn tiền thuê đất 15 năm tiếp theo và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp sau.

Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, mang đặc trưng của một trung tâm đa chức năng, có sức thu hút, tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng. Cùng với TPHCM, đô thị này là “2 nút kép” tạo ra không gian phát triển liên vùng, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng Mekong. Việc thành lập, vận hành hiệu quả siêu trung tâm nông sản vùng đặt tại Cần Thơ, không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Cần Thơ, còn có tính lan tỏa, thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển đối với tất cả địa phương trong vùng ĐBSCL.

Tại hội nghị lấy ý kiến về đề án thành lập trung tâm này do Bộ NN - PTNT phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức, đã có nhiều ý kiến đồng tình, đặt nhiều kỳ vọng trung tâm sẽ tháo nút thắt, góp phần giải bài toán cho vựa nông sản. Nhưng vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, chưa rõ tính vùng cũng như sự phối hợp của 13 tỉnh, thành trong vùng trong dự thảo đề án. Hình hài được phác họa cho siêu trung tâm na ná như khu công nghiệp, không phù hợp với mô hình vốn cần sự gắn kết với trung tâm chuyên ngành của các tỉnh trong khu vực.

Theo Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, sẽ hình thành trung tâm đầu mối tổng hợp ở Cần Thơ với chức năng chính là thương mại, logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản. Các trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt. Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển. Trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu.

Vì vậy, sẽ bị phân cực, phân mảnh trung tâm, phân tán nguồn lực nếu thiếu cơ chế phối hợp, liên kết hiệu quả. Cái thiếu này còn đang được mong đợi ở một siêu trung tâm chưa định rõ hình hài. Không chỉ hình hài, việc định vị trung tâm cũng cần được cân nhắc. Siêu trung tâm với quy mô 450ha (giai đoạn đầu), mở rộng lên 3.300ha (giai đoạn sau), được định vị tại “ngã ba” thuộc địa bàn các quận Ninh Kiều - Bình Thủy - Ô Môn có lợi thế gần sân bay, gần các tuyến bộ Quốc lộ 91, 91B hiện hữu và đường hành lang phía Tây TP Cần Thơ tương lai, nhưng không tận dụng được lợi thế “mặt tiền sông Hậu” trải dài từ Cái Răng - Ninh Kiều - Bình Thủy - Ô Môn - Thốt Nốt.

Trung tâm tích hợp đa giá trị và năng lực thực thi

Việc khởi động Đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Những tính toán nhằm xác định quy mô, bố trí không gian, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư bằng các chính sách khuyến khích, ưu đãi là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn phải “làm mới” nó bằng hiệu quả thực thi. Đây là thách thức, trách nhiệm lớn cho TP Cần Thơ.

Trong thực tế, các chính sách thu hút đầu tư về cơ bản đã được phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương. Cái Cần Thơ cần, người dân cần là sự vượt trội cần thiết phù hợp bối cảnh thực tiễn của địa phương, khả năng cân đối nguồn lực đầu tư công và huy động mạnh mẽ đầu tư toàn xã hội, và phải dựa trên năng lực thực tiễn của địa phương. Cơ chế thí điểm có thể tạo ra nguồn lực mới, nhưng nguồn lực có thực sự được tạo ra hay không phụ thuộc vào hiệu quả thực thi được kích hoạt.

Yêu cầu đó đòi hỏi năng lực tổ chức bộ máy, hiệu quả thực thi của chính quyền TP Cần Thơ, yêu cầu tăng cường liên kết vùng, liên vùng để thu hút các nguồn lực và tác động lan tỏa, cần sự đồng thuận của người dân và cộng đồng DN. Những yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị bộc lộ thời gian qua, triển khai chậm các công trình trọng điểm, thực hiện chức năng của một đô thị lớn chưa nổi trội, cần được khắc phục khi TP được trao thẩm quyền lớn hơn, cơ hội được mở ra nhiều hơn, yêu cầu phải cao hơn và trách nhiệm nặng nề hơn.

Một trung tâm nông sản vùng với những cơ chế, chính sách vượt trội được kỳ vọng không chỉ nhằm gia tăng sản lượng nông sản xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hay giải quyết nhiều lao động, mà cần được tích hợp đa giá trị. Trung tâm nông sản không thể là “cái chợ nông sản vùng”, cũng không đơn thuần chỉ là “điểm đến đa dịch vụ”, mà cần được xây dựng thành “Hub” kết nối đa ngành, đa giá trị, lấy khoa học, công nghệ số, kinh tế số, chuỗi logistics, blockchain value, thương mại điện tử, các ứng dụng trực tuyến làm phương tiện và công cụ để tiếp cận, để ứng phó, xử lý vấn đề và chủ động khơi thông điểm nghẽn.

Trần Hữu Hiệp

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/hinh-hai-sieu-trung-tam-nong-san-tay-do-105596.html