Hình phạt nghiêm khắc cho hành vi tháo, gửi, giữ thuê thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Ngày 19/2, tại UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), TAND tỉnh Cà Mau tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự đối với bị cáo Trương Văn Sang (sinh năm 1987, ngụ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cùng 11 đồng phạm về tội 'Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử' được quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự. Phiên tòa được xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân về phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Huỳnh Văn Sơn cùng tang vật vi phạm trên tàu cá CM 09710 TS tại thời điểm lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt quả tang.

Huỳnh Văn Sơn cùng tang vật vi phạm trên tàu cá CM 09710 TS tại thời điểm lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt quả tang.

Các đồng phạm cùng Trương Văn Sang gồm: Huỳnh Văn Sơn (sinh năm 1991, ngụ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau); Lương Văn Hùm (sinh năm 1988), Mai Văn Hải (sinh năm 1986), Trần Văn Khánh (sinh năm 1990), Lê Trường Giang (sinh năm 1990), Trần Minh Dương (sinh năm 1992), Mai Thành Tân (sinh năm 1997), Trần Văn Vị (sinh năm 1979), Nguyễn Toàn Trung (sinh năm 1988), Lương Văn Cảnh (sinh năm 1991) và Võ Văn Tựu (sinh năm 1999) cùng ngụ tỉnh Kiên Giang.

Đây là vụ việc đã bị lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra, bắt quả tang vào ngày 17/10/2024 trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Tây Nam. Sau đó đã tiến hành bàn giao toàn bộ người, hồ sơ, tang vật, phương tiện cho Công an huyện Ngọc Hiển và phối hợp điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, Trương Văn Sang đã chuẩn bị sẵn công cụ, thuê phương tiện là tàu cá số hiệu CM 08710-TS nhằm mục đích cất giữ các thiết bị giám sát hành trình (VMS) của các tàu cá khác để thu lợi bất chính.

Sang đã cung cấp số điện thoại và tọa độ để 10 bị cáo là thuyền trưởng các tàu cá khác gồm: Lương Văn Hùm, Mai Văn Hải, Trần Văn Khánh, Lê Trường Giang, Trần Minh Dương, Mai Thành Tân, Trần Văn Vị, Nguyễn Toàn Trung, Lương Văn Cảnh và Võ Văn Tựu gửi các thiết bị giám sát hành trình tàu cá để đi ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản.

Từ tháng 9/2024 đến 4 giờ ngày 17/10/2024, Sang và Sơn đã tiếp nhận, cất giữ 9 thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá CM 08710-TS, sau đó bị lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt quả tang cùng tang vật.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 12 bị cáo: Trương Văn Sang mức án 10 năm tù; Huỳnh Văn Sơn 6 năm tù; Lương Văn Hùm 8 năm 6 tháng tù; Mai Văn Hải 8 năm tù; Trần Văn Khánh 7 năm 6 tháng tù; Lê Trường Giang 7 năm tù; Trần Minh Dương 5 năm tù; Mai Thành Tân 4 năm 6 tháng tù; Trần Văn Vị 4 năm tù; Nguyễn Toàn Trung 4 năm 3 tháng tù; Lương Văn Cảnh 3 năm 6 tháng tù và Võ Văn Tựu 3 năm tù.

Mức án trên dành cho các bị cáo thể hiện sự quyết liệt của các lực lượng chức năng và sự nghiêm minh của pháp luật; đồng thời là bài học cảnh tỉnh sâu sắc cho những ai vì lợi ích mà bất chấp, cố tình vi phạm quy định của pháp luật, vi phạm về phòng chống IUU.

THANH NGHỊ - TRỌNG NGHĨA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/bien-dao-que-huong/202502/hinh-phat-nghiem-khac-cho-hanh-vi-thao-gui-giu-thue-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-tau-ca-8bf1150/