Hình thành đơn vị hành chính cấp xã mới gồm xã, phường, đặc khu
Bộ Nội vụ cho biết đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và trình Chính phủ xem xét để kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5/2025. Một trong những điểm đổi mới quan trọng của dự thảo luật là chuyển mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp: Cấp tỉnh và cấp xã, chính thức bỏ cấp huyện.

Hình thành đơn vị hành chính cấp xã mới gồm xã, phường, đặc khu
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định hiện hành nhằm xây dựng mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. So với Luật hiện hành gồm 50 điều, dự thảo mới có 51 điều, trong đó giữ nguyên 4 điều, bỏ 3 điều liên quan đến cấp huyện, bổ sung mới 4 điều, sửa đổi 43 điều còn lại. Việc sửa đổi lên tới 47/50 điều cho thấy tính chất toàn diện và cấp thiết của việc ban hành luật thay thế hoàn toàn Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Theo mô hình hai cấp, cấp tỉnh sẽ giữ như quy định hiện hành với các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Cấp xã được tổ chức lại với ba loại hình: xã, phường và đặc khu (ở hải đảo), nhằm phù hợp với các đặc thù đô thị, nông thôn, vùng biển đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Cả hai cấp đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để bảo đảm sự thống nhất, thông suốt trong tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cấp xã.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc cấp xã được trao quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm quyết định các vấn đề trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Đây được xem là bước tiến trong việc trao quyền, tăng tính tự chủ cho chính quyền địa phương cấp cơ sở. Cấp tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ mang tính vĩ mô như hoạch định chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch, tài chính, đầu tư... trong khi cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, giải quyết các vấn đề trực tiếp gắn với đời sống nhân dân.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định để HĐND có thể thực hiện phân cấp cho UBND cùng cấp hoặc HĐND cấp dưới. Đây là sự điều chỉnh đáng chú ý vì hiện nay Luật chỉ quy định UBND là chủ thể phân cấp, nay mở rộng thêm vai trò của HĐND nhằm tăng tính linh hoạt, chủ động trong quản lý nhà nước tại địa phương.
Về lộ trình thực hiện, dự thảo quy định thời điểm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Đơn vị hành chính cấp huyện sẽ được giải thể và chính quyền cấp huyện chấm dứt hoạt động từ thời điểm này. Việc chấm dứt mô hình chính quyền đô thị hiện đang thực hiện tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng được quy định rõ trong dự thảo, kèm theo lộ trình chuyển tiếp cho nhiệm kỳ 2021–2026.
Để bảo đảm quá trình chuyển đổi không gây gián đoạn hoạt động quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Luật đưa ra 11 nội dung chuyển tiếp, đồng thời giao Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể việc phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền. Đối với các nội dung liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì sẽ được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: cấp tỉnh (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập, tổng cộng 34 đơn vị) và cấp xã. Sau sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm khoảng 60–70% so với hiện nay.
Với mô hình tổ chức mới, cấp tỉnh sẽ đóng vai trò trung gian duy nhất giữa Trung ương và cấp xã, vừa thực hiện chính sách từ Trung ương, vừa ban hành chính sách quản lý tại địa phương. Trong khi đó, cấp xã được tăng cường quyền tự chủ, tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý nhà nước ở cơ sở, đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả và gần dân hơn trong tổ chức bộ máy chính quyền.