Hình thành giải pháp phát triển kinh tế tư nhân tại Diễn đàn CEO 2025
Ngày 21-5, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS) và Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề 'Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trước bối cảnh chiến tranh thương mại'.
Đây là hoạt động trọng điểm trong chuỗi sự kiện “Tự hào bản sắc – Vị thế hội nhập” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, nhằm xây dựng hình ảnh doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam bản lĩnh, hội nhập, cạnh tranh không đơn độc.
Diễn đàn mở ra không gian để doanh nghiệp chia sẻ, đề xuất giải pháp chiến lược và kết nối nguồn lực đổi mới trong bối cảnh rào cản thương mại ngày càng khốc liệt. Đây cũng là cầu nối chính sách với thực tiễn, giúp cơ quan quản lý hoạch định chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách hiệu quả dựa trên thực tiễn doanh nghiệp và tư duy phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường mới.

Quang cảnh Diễn đàn CEO 2025.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Diễn đàn CEO 2025 tập trung bàn về những vấn đề sát sườn của đất nước, của TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, nâng cao năng lực nội sinh của các doanh nghiệp trong bối cảnh có "bộ tứ" nghị quyết là nền tảng cho kinh tế tư nhân,
Diễn đàn quy tụ hơn 200 tổng giám đốc điều hành, chuyên gia và đại diện các cơ quan trung ương, địa phương cùng thảo luận xoay quanh các nhóm chủ đề, gồm: Chiến lược mở rộng thị phần xuất khẩu giữa bối cảnh rào cản thương mại gia tăng; phát triển thị trường nội địa với tâm thế mới, chú trọng giá trị thật, xây dựng thương hiệu Việt; đổi mới mô hình tài chính, tiếp cận vốn xanh, tín dụng thông minh; tăng tốc chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; liên kết chuỗi giá trị - hình thành các liên minh sản xuất - phân phối - tiếp thị quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành đang phải chịu tác động trực tiếp từ các hàng rào kỹ thuật và chính sách phòng vệ thương mại như dệt may, gỗ, thép, thực phẩm... cũng tham gia diễn đàn, giúp nội dung thảo luận có chiều sâu thực tiễn, phản ánh được nhiều góc nhìn ngành nghề đa dạng.
Với các tham luận các chuyên gia gửi về, diễn đàn đã phác họa thực tế, trước những biến động sâu sắc của kinh tế toàn cầu do căng thẳng địa chính trị và thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức kép. Một mặt, họ cần bảo vệ thị phần tại thị trường nội địa. Mặt khác, các doanh nghiệp này phải vượt qua nhiều rào cản như kỹ thuật, thuế quan và các tiêu chuẩn mới từ các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, bên cạnh việc đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp còn chịu áp lực lớn trong việc minh bạch chuỗi cung ứng, kiểm soát phát thải, truy xuất nguồn gốc và thực hiện các xu hướng chuyển đổi xanh cũng như chuyển đổi số.
Để có thể theo đuổi định hướng phát triển đó, tại diễn đàn đã đưa ra những giải pháp, cho rằng doanh nghiệp cần đầu tư truy xuất nguồn gốc, tăng sức chống chịu trước biến động toàn cầu. Đồng thời, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), khung hợp tác song phương và đa phương, cùng chính sách hỗ trợ từ trung ương sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.