Hình tượng rồng trong kiến trúc đình làng Đồng Nai
Cách đây hơn ba thế kỷ, trước một thiên nhiên hoang dã, khắc nghiệt và đầy thách thức, để tìm một chỗ dựa tinh thần, những lưu dân người Việt đầu tiên vào xứ Đồng Nai đã khai phá, khẩn hoang, cùng với đó là lập miếu xây đình. Hiển nhiên, hình tượng các linh vật là ưu tiên trước nhất trong trang trí kiến trúc. Điều này dễ hiểu, bởi trong hoàn cảnh khó khăn ấy, họ muốn nhờ cậy sức mạnh bảo trợ của các linh vật để có niềm tin thiêng liêng vượt thoát gian nan.
Trong các linh vật truyền thống được tôn sùng, rồng luôn giữ vai trò chủ đạo trong trang trí đình miếu dân gian.
* Rồng trong tâm thức người Việt
Từ ngàn xưa, rồng đã là một hình tượng siêu linh trong văn hóa Việt Nam, mang khát vọng của con người vươn lên chinh phục tự nhiên và chinh phục chính mình. Con rồng vừa là biểu tượng của vương quyền phong kiến vừa là biểu tượng của dân gian. Cùng với thời gian và biến thiên của lịch sử dân tộc, tổ tiên đã không ngừng sáng tạo hình tượng rồng.
Rồng không được thờ cúng trong đình chùa một cách độc lập như những linh vật khác nhưng chúng ta thường thấy hình ảnh rồng luôn trang trí trên kiến trúc với tư thế nằm chầu trên mái, cuốn quanh cột trụ, bay lên phun nước… Hình ảnh này chính là biểu tượng cho sự che chở, phục vụ, luôn sẵn sàng bảo vệ. Con người nhận thức rồng là biểu tượng của sự cao quý, sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên được đưa vào sử dụng nhiều nhất trong kiến trúc đình chùa.
Khi người Việt vào phương Nam khai phá, lập nghiệp đã mang linh vật này theo để chinh phục vùng đất mới. Đó là con rồng Đại Việt với đặc điểm hình thể gắn kết từ 9 loài vật có thực: thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, chân hổ, móng vuốt đại bàng, tai bò, mũi và bờm sư tử, đuôi gà. Tuy nhiên, thời bấy giờ việc sử dụng phải theo quy định của triều đình nhà Nguyễn: rồng 5 móng là biểu tượng của vua chúa, rồng 4 móng là biểu tượng của quan lại, dân gian chỉ được sử dụng hình tượng rồng 3 móng trong kiến trúc hoặc nghệ thuật hội họa. Khi nhà Nguyễn kết thúc, sự phân tầng xã hội trong sử dụng hình tượng rồng không còn tồn tại. Vì thế, mọi người có quyền thể hiện rồng theo ý riêng với muôn hình vạn trạng, theo suy nghĩ và bàn tay của nghệ nhân. Do đó, rồng được sử dụng rộng rãi, linh hoạt, sinh động trong dân gian. Hình tượng rồng cũng không còn khắt khe trong ý niệm vương quyền tối thượng mà mang ý nghĩa bình dị, thân thiện với con người.
Đình làng nào cũng trang trí, thậm chí rồng còn là hình tượng trung tâm của nghệ thuật trang trí, là đề tài chủ đạo mà con người đưa vào không gian thiêng.
* Độc đáo trang trí rồng trên kiến trúc đình làng
Con rồng trong tín ngưỡng dân gian ở Đồng Nai thật phong phú và đa dạng. Đình làng nào cũng trang trí, thậm trí rồng còn là hình tượng trung tâm của nghệ thuật trang trí, là đề tài chủ đạo mà con người đưa vào không gian thiêng.
Vì vậy, chúng ta không khó để bắt gặp nhưng đồ án trang trí với những hình thức biểu đạt và ý nghĩa khác nhau: lưỡng long tranh châu (hai con rồng tranh nhau trái trân châu tóe lửa), lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu mặt trời), long ẩn vân (rồng ẩn hiện trong mây), long ngư hý thủy (rồng cá phun nước), lý ngư hóa long (cá chép hóa rồng)… Có khi, rồng được thể hiện cùng các con vật khác như rồng - phụng, rồng - lân hoặc có khi lại được trình bày chung trong cả nhóm tứ linh (long - lân - quy - phụng)…
Chất liệu tạo hình linh vật hết sức phong phú: gốm, đá, gỗ, khảm sành sứ, sơn màu. Rồng tạo tác trên chất liệu gốm, đá thường mộc mạc, phóng khoáng, gần gũi với đời sống người Nam Bộ.
Khi đến thăm một ngôi đình làng, hình ảnh đầu tiên du khách bắt gặp là những con rồng gắn trên cổng đình. Dù là cổng tam quan hay nhất quan thì rồng cũng được trang trí theo đề tài lưỡng long tranh châu/triều nhật/triều nguyệt. Những con rồng này là sản phẩm chế tác từ dòng gốm Cây Mai hay gốm Biên Hòa.
Hình tượng rồng trang trí trên mái đình có lẽ là phổ biến nhất, hầu như đình nào cũng có, ngoài đồ án lưỡng triều nhật/nguyệt, trên bờ nóc mái còn trang trí các đồ án kết hợp: long - lân, long - phụng, lý ngư hóa long, long vân bằng gốm men xanh. Trường hợp mái đình Phú Mỹ (huyện Nhơn Trạch) là một ví dụ điển hình, đây là ngôi đình đại diện cho phong cách kiến trúc truyền thống Nam Bộ.
Người xưa đã bố trí trên các bờ nóc mái mô-típ con rồng chầu mặt trời, hai bên gắn cá chép hóa rồng với quan niệm đó là thế giới tầng trên, mà hai con rồng chầu là biểu trưng cho mây mưa và bầu trời, là hóa thân của sức mạnh siêu nhiên, thiên liêng, huyền bí, được tôn thờ với tất cả lòng biết ơn. Cá chép vượt vũ môn hóa rồng là biểu trưng của khát vọng sự an lành, sung túc, thịnh vượng, thăng tiến trong học hành, thi cử, công danh và may mắn về tài lộc trong làm ăn, buôn bán.
Đình làng dù rất ít đồ án trang trí thể hiện rồng dưới hình thức độc lập (độc long). Song mỗi khi xuất hiện, hình ảnh rồng bay lên (thăng long) hay bay xuống (giáng long) vẫn tạo được ấn tượng về sự thanh thoát, cao sang. Chẳng hạn, đồ án độc long đắp vẽ ở đình Bình Kính, đình Long Chiến, đình Bình Quan… được xem là những trường hợp độc đáo. Ở đây, rồng được thể hiện uốn lượn hình chữ S theo chiều dọc trên hàng cột hiên tiền điện, đầu hướng vào trong đình. Xét về mặt hàm nghĩa của kí hiệu hình tượng, rồng cuốn cột như sự yên định cho vùng đất. Sự thể hiện đường nét uốn lượn hình chữ S là biểu đạt cho tâm thức vọng về nguồn cội vốn rất mạnh của người Việt trên vùng đất phương Nam.
Nếu như đình làng Bắc Bộ trên vì kèo, xiên trính kiến trúc được chạm khắc rất nhiều, nhất là hình tượng rồng thì đình Nam Bộ trang trí rất hiếm, chỉ thể hiện cách điệu hình đầu rồng tạo tác từ các đầu kèo, đuôi trính, để tạo sự mềm mại cho kiến trúc gỗ. Trường hợp hạn hữu như ở đình An Hòa, trên hệ thống xiên trính chánh điện được tạo tác thành hình lưỡng long triều dương và ở đình Phước Lộc chạm nổi một hai đồ án rồng phun mưa, rồng ẩn mây trên thân xiên trính.
Ngược lại, những bức cốn mê (những tấm ván trang trí) trên kiến trúc lại thể hiện hình tượng rồng phong phú với các đề tài: lưỡng long triều dương, rồng vờn mây, rồng trong tứ linh. Những đồ án này một phần làm tăng giá trị thẩm mỹ cho ngôi đình, mặt khác thông qua đó để bày tỏ lòng biết ơn và ước vọng của người dân đối với vị thần được thờ về một cuộc sống yên bình, thịnh vượng.
Trong không gian thiêng của đình miếu, nơi uy nghiêm và lộng lẫy nhất là điện thờ thần Thành Hoàng; trên có khám thờ bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, chạm khắc chi tiết, tỉ mỉ các họa tiết hoa văn truyền thống. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là hình tượng rồng với nhiều biến thể khác nhau: rồng chầu mặt trời trang trí trên chán khám thờ, rồng cuốn cột tạo thành long trụ hai bên khán thờ, rồng nằm trong đồ án hoa lá dây leo trang trí bao quanh khám thờ.
Ngoài ra, một số bàn thờ Hội đồng bằng gỗ cũng đưa hình tượng rồng vào trang trí theo chủ đề tứ linh, long hý thủy, bàn long, lý ngư khiêu long môn. Đặc sắc nhất phải kể đến các đồ án trang trí ở đình Phước Lư, đình Bình Trước của thành phố Biên Hòa. Tất cả các chủ đề này đều mang ý nghĩa cầu mong thần linh giải trừ những điều xấu, những trở ngại khó khăn và ban phát những điều tốt lành, phước lộc đến với người dân sở tại.
Một đề tài phổ biến khác về hình tượng rồng được các nghệ nhân xưa đưa vào kiến trúc đình làng, đó là “rồng dây” tức là rồng cách điệu với hình đầu rồng, thân là dây, cây, hoa lá như: thân trúc, thân mai, thân cúc dây, thân dây mướp... trang trí tô điểm cho các bức hoành phi, liễn đối, cửa ra vào... Hình thức này sử dụng nhiều bởi đã được cách điệu đơn giản, dễ chạm khắc, nhất là trên các mảng trang trí nhỏ mà mang lại nhiều ý nghĩa sâu xa. Người xưa quan niệm rằng, đầu rồng là biểu tượng của sự vinh hoa và phồn thịnh, thân là các loại dây lá như mạch nguồn để cho vinh hoa, phú quý phồn thịnh mãi mãi và được nhiều thế hệ nhân gian bồi đắp, phát huy.
Có thể nói, giá trị kiến trúc nghệ thuật đình làng ở Đồng Nai trở nên độc đáo, thiêng liêng là nhờ các đồ án trang trí chạm khắc, trong đó nổi bật là những đồ án về linh vật rồng. Thông qua hình tượng rồng, người xưa muốn gửi gắm những ước vọng bình dị về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngàn đời.