HLV Tan Cheng Hoe gây ấn tượng nhưng kém may mắn
Xây dựng được lối chơi đường nét, nhưng HLV Tan Cheng Hoe vẫn chưa có chiến tích nào trong 4 năm nắm quyền ở đội tuyển Malaysia.
Ngày 7/12, HLV Tan Cheng Hoe sẽ kỷ niệm tròn 4 năm dẫn dắt tuyển Malaysia. Sau thời “phù thủy” Datuk Rajagopal, Malaysia mới có HLV tại vị lâu và để lại nhiều ấn tượng như Tan Cheng Hoe. Ông vực dậy tinh thần cầu thủ, giúp “Mãnh hổ Malaya” có nhiều trận đấu hay ở AFF Cup 2018 và vòng loại World Cup 2022.
Nhưng sau tất cả, Tan Cheng Hoe vẫn trắng tay.
Ấn tượng Tan Cheng Hoe
Để đánh giá khách quan năng lực của Tan Cheng Hoe, chúng ta cần nhìn vào bối cảnh của đội bóng trước khi ông đến cầm quân.
Sau chức vô địch SEA Games 2009 và AFF Cup 2010, bóng đá Malaysia xuống dốc, rồi chạm đáy ở giai đoạn 2015-2017. Tại AFF Cup 2016, “Mãnh hổ Malaya” bị loại ở vòng bảng, chỉ thắng được đội bét bảng Campuchia. Vòng loại World Cup 2018, Malaysia thua 8/10 trận, trong đó có thảm bại 0-10 trước UAE.
Thất bại liên miên của đội tuyển quốc gia khiến cổ động viên Malaysia nổi giận. Trong trận gặp Saudi Arabia ở vòng loại thứ hai, khán giả trút cơn mưa pháo sáng xuống sân Shah Alam, khiến Malaysia bị xử thua. Đầu năm 2018, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) Tunku Ismail Sultan Ibrahim từ chức.
Tan Cheng Hoe dũng cảm khi đồng ý ngồi vào ghế nóng. Ông tiếp quản thành trì đổ nát của HLV Nelo Vingada, xây lại nền móng cho Malaysia. AFF Cup 2018, Tan Cheng Hoe loại 15 cầu cầu thủ dự giải 2 năm trước đó khỏi đội hình để giữ suất cho cầu thủ trẻ. Syahmi Safari, Mohamadou Sumareh, Syafiq Ahmad,... thay nhau bước ra ánh sáng từ cuộc cách mạng của cựu HLV Kedah.
Dưới thời Tan Cheng Hoe, Malaysia chuyển sang lối chơi tấn công, lấy kiểm soát bóng làm nền tảng, thay cho cách đá phòng ngự phản công có thiên hướng bạo lực trong quá khứ. Tại AFF Cup 2018 - giải lớn đầu tiên mà Tan nắm quyền, Malaysia giành ngôi á quân. Trên đường vào chung kết, “Mãnh hổ Malaya” loại bỏ đương kim vô địch Thái Lan với lối chơi tấn công rực lửa.
Malaysia chỉ thua 2 trận ở AFF Cup 2018, đều trước đội vô địch Việt Nam. Trong trận chung kết lượt về ở Mỹ Đình, đội bóng của Tan Cheng Hoe chơi sòng phẳng, khiến Việt Nam phải căng mình chống đỡ đến những phút cuối.
Tuyển Việt Nam cũng là “điểm đen” của Malaysia dưới thời Tan Cheng Hoe. 5 lần chạm trán HLV Park, cựu trợ lý của Rajagopal thua đến 4. Tuy nhiên, Malaysia tiến bộ qua ở từng thất bại này. 2 lần chạm mặt ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, tuyển Việt Nam phải chờ đến bàn thắng xuất thần của Quang Hải.
Còn về lối chơi, Malaysia không hề thua kém. HLV Tan Cheng Hoe kết hợp tốt dàn cầu thủ trẻ cùng các ngôi sao Mã kiều như La-Viere Corbin-Ong, Matthew Davies, Brendan Gan, Sumareh để tạo thành đội hình giàu sức chiến đấu. Malaysia hạ Thái Lan 2 lần, chơi sòng phẳng với UAE, Việt Nam trong ít nhất 1 lượt đấu ở vòng loại World Cup 2022.
Đó là viễn cảnh cổ động viên Malaysia khó hình dung vào năm 2017, khi Tan Cheng Hoe mới nắm quyền.
Kém may mắn
Khi mới dẫn dắt bóng đá Việt Nam (cuối năm 2017), HLV Park Hang-seo từng lo lắng khi U23 Việt Nam thua U23 Uzbekistan ở giải giao hữu M-150. Ông tung vào sân đội hình mạnh nhất ở trận tranh hạng 3 gặp U23 Thái Lan bởi hai lý do: chiến thắng trước Thái Lan sẽ mang lại cảm giác hưng phấn cho Việt Nam, và để cầu thủ nghe theo mình, HLV Park phải thắng.
Đó là nguyên tắc của mọi HLV. Muốn thuyết phục cầu thủ tin vào kế hoạch, nhà cầm quân phải chứng minh hiệu quả chiến thuật bằng những chiến thắng.
Tan Cheng Hoe làm tốt điều này ở AFF Cup 2018 và phần nào ở vòng loại World Cup 2022. Dù vậy, thành quả của Malaysia suốt 4 năm của Tan Cheng Hoe vẫn chỉ dừng ở một số trận đấu ấn tượng. Đó là phép định tính thiếu chắc chắn. Malaysia vẫn tiến bộ dưới thời HLV 53 tuổi, nhưng đà tiến bộ ấy có đủ, nếu không có những chiếc cúp?
Áp lực cho Tan Cheng Hoe ở AFF Cup 2020 sẽ lớn hơn nhiều so với 3 năm trước. Sau 4 năm xây móng, lãnh đạo FAM bắt đầu muốn nhìn thấy công trình. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng lần này chúng ta phải đánh bại Việt Nam để chứng minh ĐT Malaysia cũng mạnh mẽ và vĩ đại không kém so với họ. Khi bạn ở trong đội và khoác lên mình chiếc áo của 'hổ Malaya', tôi muốn tất cả cầu thủ phải cống hiến hết mình và thi đấu tập trung trong suốt hành trình chinh phục chức vô địch”, Chủ tịch FAM, ông Hamidin Mohd Amin, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bóng đá không phải phép tính “1+1=2”. Malaysia có tiến bộ và đầu tư, nhưng Việt Nam, Thái Lan, thậm chí Indonesia cũng thế. Tuyển Việt Nam của HLV Park vẫn là đội bóng mạnh nhất giải, lại tích lũy thêm kinh nghiệm sau 6 trận gặp Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia ở vòng loại ba World Cup 2022. Thái Lan triệu tập Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, gọi lực lượng mạnh nhất để đòi lại ngôi vương. Indonesia của HLV Shin Tae-yong cũng tham vọng không kém.
So với AFF Cup 2018, ít nhất 3 đội tuyển cạnh tranh trực tiếp ngôi vương với Malaysia đã mạnh lên.
Trong khi đó, Malaysia mất 5 cầu thủ do chấn thương ngay trước ngày lên đường, dẫn đến danh sách rút gọn chỉ là 24, ít hơn 6 cái tên so với con số ban tổ chức cho phép. 7 trận gần nhất, Malaysia chỉ thắng một. AFF Cup 2020 có thể là giải đấu định đoạt tương lai Tan Cheng Hoe, nhưng “Mãnh hổ Malaya” đang chuẩn bị theo cách tồi tệ nhất.
HLV Tan Cheng Hoe cũng thiếu may mắn khi không nhìn về một hướng với lãnh đạo. FAM khao khát thành công tức thời, thể hiện bằng nỗ lực nhập tịch cầu thủ với những ngôi sao Guilherme de Paula, Lindon Krasniqi. Điều này khiến lối chơi của Malaysia, vốn đang ổn định, lại bước vào giai đoạn chệch choạc. Sau thất bại ở vòng loại World Cup, Malaysia bỏ chính sách nhập tịch cầu thủ. Việc FAM thiếu kiên định và nóng vội có thể khiến công sức của Tan Cheng Hoe trở nên vô nghĩa.
Nhà cầm quân 53 tuổi chứng minh ông đủ khả năng lèo lái Malaysia, nhưng để vượt qua Việt Nam, Thái Lan, Tan Cheng Hoe cần thêm thời gian và cả vận may - những thứ đang ngoảnh mặt với ông lúc này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hlv-tan-cheng-hoe-gay-an-tuong-nhung-kem-may-man-post1281519.html