Hồ Bắc - trầm tích văn hóa từ 'vùng đất ngàn hồ'

Hồ Bắc là một tỉnh miền Trung của Trung Quốc. Với 1.300 hồ nước lớn nhỏ, nơi này được mệnh danh là 'vùng đất ngàn hồ'.

Ngoài ra, nơi này còn được coi là một trong những cái nôi của văn hóa Trung Hoa với hệ thống di tích lâu đời cùng sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc. Sự kết hợp hoàn hảo giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và sắc màu văn hóa đa dạng đã “vẽ” nên bức tranh Hồ Bắc sống động và đầy quyến rũ.

Hoàng Hạc Lâu - biểu tượng của thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc).

Hoàng Hạc Lâu - biểu tượng của thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc).

Cái nôi của văn hóa và công nghiệp

Với lịch sử lâu đời, Hồ Bắc là một trong những nơi khai sinh ra dân tộc Trung Hoa và văn hóa Trung Quốc cổ đại. Các hóa thạch người cổ đại được phát hiện đã chứng minh rằng, con người bắt đầu sống ở đây vài trăm nghìn năm trước.

Nền văn hóa Khuất Gia Lĩnh (3000 - 2600 TCN) và văn hóa Thạch Gia Hà (2500 - 2000 TCN) tập trung tại Hồ Bắc là hai đại diện lớn của thời đại đồ đá mới với lịch sử hình thành 4.000 - 5.000 năm.

Hồ Bắc cũng được biết đến là “cái nôi của văn hóa Chu” - một trong những phần quan trọng nhất của văn hóa Trung Quốc. Trong thời Xuân Thu (770 - 475 TCN) và Chiến Quốc (476 - 221 TCN), Chu là quốc gia lớn nhất trong khu vực lãnh thổ của Hồ Bắc ngày nay.

Nước Chu từng đạt đến trình độ cao trong các lĩnh vực luyện đồng, dệt lụa, thêu, sơn mài... Minh chứng điển hình là bộ chuông đồng được khai quật từ ngôi mộ của Tăng Hầu Ất (477 TCN - 433 TCN) - vị quân chủ của nước Tăng, chư hầu nhà Chu. Bộ chuông có niên đại 2.500 năm, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Bên cạnh đó, Đồng Lộc Sơn - lò luyện đồng lớn nhất và lâu đời nhất có lịch sử 3.000 năm cũng được phát hiện ở Hồ Bắc. Đó là lý do Hồ Bắc còn được gọi là “quê hương của đồng”.

Không chỉ là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, Hồ Bắc còn là nơi khai sinh ngành công nghiệp hiện đại Trung Quốc. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, Nhà máy thép Hàn Dương đầu tiên được thành lập. Đây cũng là doanh nghiệp công nghiệp ra đời sớm nhất ở Trung Quốc, theo sau là ngành công nghiệp dệt may, chế biến da, sản xuất giấy... Những ngành nghề này đã đưa Hồ Bắc trở thành nơi khai sinh ra ngành công nghiệp hiện đại của Trung Quốc.

Dòng chảy lịch sử trong lòng đô thị hiện đại

Đến với Hồ Bắc, du khách có thể cảm nhận nhịp đập của cuộc sống hiện đại trong lòng thành phố lịch sử. Vũ Hán, thủ phủ của Hồ Bắc, không chỉ là trung tâm kinh tế, được biết đến như là một “Chicago phương Đông” mà còn là một “viên ngọc” văn hóa và lịch sử của Trung Quốc.

Vào thời nhà Thương (1600 - 1046 TCN), Vũ Hán từng là một thị trấn cổ, một đô thị cảng thương mại sầm uất. Vũ Hán có nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng như đền Quý Nguyên, Hoàng Hạc Lâu, Khu thắng cảnh hồ Đông... Năm 1986, Vũ Hán được công nhận là Thành phố lịch sử - văn hóa hàng đầu của Trung Quốc.

Đến với Vũ Hán, du khách nhất định phải ghé thăm Hoàng Hạc Lâu - tòa tháp cao 5 tầng nằm bên trên núi Xà Sơn bên dòng sông Dương Tử và là một trong “Tứ đại danh lâu” của Trung Quốc.

Được xây dựng vào năm 223, trong thời kỳ Tam Quốc (220 - 280), sau 12 lần bị thiêu rụi, phá hủy và xây dựng lại, quy mô của Hoàng Hạc Lâu ngày càng được mở rộng. Ngày nay, di tích này được xem là biểu tượng của thành phố Vũ Hán.

Giá trị lớn nhất của Hoàng Hạc Lâu là kiến trúc theo phong cách của triều đại nhà Thanh. Tháp cao 51,4m; mái lợp bởi 100.000 viên gạch tráng men vàng. Mỗi tầng được thiết kế như một con hoàng hạc dang rộng đôi cánh chuẩn bị bay. Trên mỗi tầng là một trưng bày với những chủ đề khác nhau. Đỉnh tháp là nơi du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh sông Dương Tử uốn quanh thành phố Vũ Hán.

Nằm ở quận Hán Dương, chùa Quý Nguyên là một trong 4 ngôi chùa đẹp nhất thành phố Vũ Hán. Chùa được xây dựng năm 1658, có diện tích 46.900m2. Ngôi chùa thu hút nhiều du khách không chỉ bởi các công trình kiến trúc độc đáo, mà còn bởi 500 pho tượng La Hán được tạc sống động.

Nhiều người thường tìm đến chùa Quý Nguyên dịp đầu năm để thực hiện tục đếm tượng La Hán nhằm đoán điều may rủi sẽ xảy đến trong năm. Trung tâm chùa là tòa Đại hùng bảo điện, nơi có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni kích thước lớn và nhiều nhân vật được phụng thờ khác.

Những sắc màu văn hóa

Bên cạnh những lớp trầm tích văn hóa sâu lắng được tích tụ qua hàng nghìn năm, sự đa dạng văn hóa với những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc đã định hình Hồ Bắc như một trung tâm văn hóa của khu vực miền Trung Trung Quốc.

Phần lớn cư dân sinh sống ở Hồ Bắc là người Hán, với những phong tục độc đáo như thưởng thức đèn lồng vào ngày 15 tháng Giêng, tảo mộ dịp Thanh minh, ăn zongzi (bánh bao gạo nếp) và đua thuyền rồng trong ngày 5 tháng Năm, hay thưởng trăng vào dịp Tết Trung thu.

Các nhóm thiểu số chính ở Hồ Bắc bao gồm người Tujia và Miêu, sống chủ yếu ở châu tự trị Ân Thi. Từ ngày 3 đến 15 tháng Giêng, người Tujia tổ chức các hoạt động hiến tế, cầu nguyện và lễ hội với quy mô lớn, trong đó không thể thiếu điệu nhảy vẫy tay - một nghi lễ nguyên thủy được bảo tồn đến ngày nay.

Ngoài ra, người Tujia có phong tục đám cưới và tang lễ độc đáo. Trước đám cưới, cô dâu phải khóc mỗi ngày một tiếng trong cả tháng để hôn nhân được hạnh phúc. Trong khi các đám tang không thể thiếu điệu nhảy tang lễ. Những người tham dự sẽ tụ tập trước quan tài, cười và nhảy múa cho đến sáng hôm sau để đưa tiễn vong linh người mất.

Đối với người Miêu, những bài dân ca ngọt ngào, tinh tế là một phần của cuộc sống và là “phương tiện” bày tỏ tình cảm của các cặp đôi. Vào các dịp lễ, người Miêu từ các bản làng sẽ cùng tụ tập tại một nơi để ăn mừng. Họ mặc những trang phục sặc sỡ nhất, hát những bài dân ca truyền thống và đánh chiêng, trống, tạo nên không khí sôi động mà du khách có thể tham dự cùng.

Bích Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ho-bac-tram-tich-van-hoa-tu-vung-dat-ngan-ho-698111.html