Hô biến dụng cụ học tập đã qua sử dụng thành mô hình sáng tạo
3 mô hình sáng tạo từ những dụng cụ học tập, những chiếc bút bi đã qua sử dụng đã được hoàn thiện và trao tới 3 điểm trường theo kế hoạch Trao học bổng Vì Mái Trường Xanh.
Tại khâu chế tác mô hình, ba người trẻ là các anh Liếu Quyết Thắng, Nguyễn Đức Anh và Khoa Năng Quyền với đam mê sáng tạo đã phối hợp cùng Ban tổ chức, dành hết tâm sức để dựng nên 3 mô hình từ khoảng 4.000 cây bút bi, bút lông, bút xóa Thiên Long đã qua sử dụng để làm thành Mô hình bản đồ Việt Nam; Mô hình Chùa Một Cột; hay như chiếc đèn chùm cầu kỳ.
Qua quá trình sáng tạo, các tác giả đã trải qua quá trình phân loại bút theo màu sắc, kích thước, chủng loại; xử lý bề mặt cũng như lựa chọn các chất liệu kết dính.
Đây là những mô hình được chế tác từ hơn 4.000 chiếc bút bi đã qua sử dụng mà Ban tổ chức đã thu gom được từ 10 điểm trường, bao gồm: Trường THCS Phú Lương; Trường THCS Trưng Vương; Trường THCS Kim Hoa; Trường THCS Đại Thịnh; Trường THCS Mê Linh; Trường THCS Tiến Thắng; Trường THCS Đoàn Thị Điểm; Trường THCS Thăng Long; Trường THCS Nguyễn Tri Phương; Trường TH Phương Liệt.
Là những người trực tiếp sáng tạo trên những cây bút, các tác giả nhắn nhủ: “Mô hình được xây dựng từ những dụng cụ học tập thân quen, gần gũi có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi trường sống của chúng ta. Đôi khi chúng ta đã vô tình khiến bản thân mình trở thành tác nhân gây hại đến môi trường chỉ qua một hành động nhỏ như bỏ đi những món đồ không cần thiết, thải rác vào môi trường. Nhưng thay vì thế, hãy chú ý hơn một chút, ví dụ như việc chúng ta đang làm đây: Thu gom lại các loại bút đã qua sử dụng, ta có thể sáng tạo ra những mô hình trang trí rất ý nghĩa ở nhà trường, phục vụ học tập, giảng dạy hiệu quả hơn”.
Ngay từ khi ra đời, chương trình Vì Mái Trường Xanh do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Nhãn hàng dụng cụ học sinh Điểm 10 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh, các thầy cô giáo. Chương trình mong muốn nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về vấn đề môi trường toàn cầu thông qua “Công trình Măng Non” là mô hình phân loại rác đặt tại các điểm trường và hoạt động tuyên truyền kiến thức về “Phân loại rác thải ngay tại nguồn”.
Những hoạt động thực tiễn xuyên suốt chương trình Vì Mái Trường Xanh đã giáo dục cho các em học sinh về tình yêu và trách nhiệm với môi trường, tinh thần tương thân tương ái với cộng đồng, đặc biệt là với bạn bè xung quanh.
Cũng trong buổi lễ tổng kết ở từng điểm trường, các suất học bổng “Vì mái trường xanh” cũng sẽ được trao cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học. Đây là những phần quà rất ý nghĩa, thể hiện sự gắn bó sâu sắc giữa hành trình Vì Mái Trường Xanh và thầy cô cùng các em học sinh.
Thông qua mô hình và những suất học bổng, các em học sinh sẽ hiểu được rằng, một chiếc bút đã qua sử dụng cũng là rác thải nhựa, nếu chúng ta biết thu gom và tái chế đúng cách thì đó sẽ là hành động thiết yếu để bảo vệ môi trường sống hàng ngày của bản thân, gia đình và toàn xã hội.