Hồ Dầu Tiếng - Tiềm năng du lịch mùa nước cạn
Khi mực nước xuống thấp, hồ Dầu Tiếng như thay đổi diện mạo, lộ ra vẻ đẹp khó cưỡng cho những ai đến đây thăm ngày đầu hè.
Từ trước tới nay, hầu hết du khách đều quen với hình ảnh hồ Dầu Tiếng mênh mông sóng nước và những hòn đảo, bán đảo đậm màu xanh cây rừng, ít ai có dịp chiêm ngưỡng diện mạo công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á này vào mùa nước cạn.
Mùa khô kéo dài, hồ Dầu Tiếng phải liên tục xả nước xuống sông Sài Gòn để ngăn tình trạng nước mặn xâm nhập vào đất liền và cung cấp nước tưới cho đồng ruộng các tỉnh, thành trong khu vực. Khi hồ cạn, một thế giới thiên nhiên hoàn toàn mới dần lộ ra.
Đảo Trời Đánh khá nổi tiếng trong hồ Dầu Tiếng. Những năm trước đây rất khó nhìn thấy nơi này, vì hòn đảo thường xuyên chìm dưới nước. Hiện tại, từ đảo Nhím có thể đi bộ qua đảo Trời Đánh. Đó là hòn đảo có nhiều tảng đá ong khổng lồ.
Có thể vì trong đá ong có nhiều kim loại sắt nên nơi đây thu hút tia sét hơn so những đảo khác trong hồ. Theo người dân địa phương, những năm qua có nhiều gia súc bị sét đánh chết trên hòn đảo này. Nếu đến hòn đảo Trời Đánh vào lúc trời quang mây tạnh, không có sấm chớp hay hiện tượng sét đánh thì nơi đây là điểm check in độc, lạ.
Anh Trần Thanh Hạnh- một người dân gắn bó lâu năm với vùng đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng cho biết, trước năm 1980, nơi đây là những cánh rừng nguyên sinh và vườn cây ăn trái. Năm 1981, khi công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng được xây dựng, những cánh rừng này được thanh lý hoặc bị ngập nước.
Khi mực nước trong hồ cạn, người dân địa phương thường đến đây tìm những gốc cây rừng có hình dáng đẹp, gỗ tốt đem về chế tác. Có những gốc cây rừng sau khi chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật, được bán với giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Mùa đáy hồ trơ cạn cũng là lúc cư dân trong hồ Dầu Tiếng tranh thủ thu hoạch cá. Những vũng trâu nằm hay ao nước nhỏ đều có cá, người dân đặt máy bơm nước để thu hoạch cá. Đối với du khách thích khám phá, trải nghiệm thì đây là dịp bắt cá rất thú vị.
Mùa nước cạn cũng là thời điểm chim, cò từ các nơi kéo về hồ Dầu Tiếng. Những năm trước, vào thời điểm này, từng có đàn cò nhạn hàng ngàn cá thể tập trung trong hồ Dầu Tiếng. Chiều tối, chúng bay lên các cánh rừng trên đảo Nhím trú ngụ.
Hoàng hôn, đó cũng là lúc hồ khoác lên một vẻ đẹp huyền bí, khó cưỡng. Nhưng có lẽ bình yên nhất là hình ảnh đàn trâu nhởn nhơ trên các bãi cỏ xanh trải dài trên đất bán ngập quanh hồ Dầu Tiếng. Nước rút đến đâu, cỏ dại mọc lên đến đấy. Cứ như thế, dần dần những phần đất bán ngập quanh hồ Dầu Tiếng đều được phủ một màu xanh non. Tận dụng điều kiện này, người dân địa phương nuôi thả trâu, bò.
Buổi sáng, nhấm nháp tách cà phê bên chiếc lều dã ngoại, ngắm bình minh dần nhô lên khỏi mặt hồ, ngắm những con trâu, con bò ung dung trên thảm cỏ xanh, du khách sẽ thấy lòng mình nhẹ tênh, bao nhiêu muộn phiền, áp lực công việc hằng ngày cũng tan biến.
Sau trải nghiệm thực tế mùa nước cạn ở hồ Dầu Tiếng, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nhận xét, nơi đây có nhiều tiềm năng du lịch. Nếu được đầu tư khai thác đúng mức, hồ Dầu Tiếng sẽ tạo ra một diện mạo mới, hấp dẫn du khách.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ho-dau-tieng-tiem-nang-du-lich-mua-nuoc-can-a159477.html