Hồ Giáo trò chuyện với thiên nhiên

*Thanh Thảo

(Baoquangngai.vn)- Người nuôi bò, nuôi trâu Hồ Giáo đã ra đi trong một chiều mưa miền Trung. Cây xanh hơn trong ngày mưa. Tôi lẩm nhẩm một câu bất chợt, và bật nghĩ ra: Hồ Giáo là người hiểu những con vật nuôi hơn ai hết, hiểu cây xanh hơn ai hết. Đó là một đặc chất bẩm sinh của người nông dân quê Sơn Tịnh này.

Suốt cuộc đời mình, Hồ Giáo đã không ngừng chuyện trò với những con bê, con bò, con nghé, con trâu. Ông chuyện trò với chúng cả trong giấc ngủ. Nước ta có hàng chục triệu nông dân, hàng chục triệu người nuôi bò, nuôi trâu. Nhưng người có thể trò chuyện với những con vật nuôi ấy, trò chuyện với thiên nhiên vây quanh chúng thì có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong những đầu ngón tay ít ỏi ấy, có Hồ Giáo.

Người ta chỉ có thể đối thoại thông qua tình cảm, chỉ có thể chuyện trò tâm đắc thông qua tình yêu. Hồ Giáo đã quá yêu những con vật nuôi bình thường từ thuở ấu thơ của mình, và ông đã biết cách trò chuyện với chúng. Khi ông còn tại thế, gặp Hồ Giáo không khó. Nhưng thật khó để phát hiện điều gì đặc biệt ở ông, vì ông chỉ là một người nông dân miền Trung hết sức bình thường. Tất cả những mỹ từ người ta gán cho ông, tất cả những danh hiệu người ta trao cho ông đều tự nhiên trôi khỏi con người ông.

Nhưng khi ai đó gặp Hồ Giáo cùng với những con vật nuôi thân thiết của ông, họ lập tức nhận ra ngay một Hồ Giáo thật đặc biệt, một Hồ Giáo với giác quan thứ 6, một Hồ Giáo sinh động kỳ lạ với khả năng trò chuyện tuyệt vời cùng thiên nhiên, cùng những con vật nuôi tưởng như không hề biết nói.

Bây giờ tôi mới hiểu, trong thiên nhiên không có gì, từ cái cây tới con vật, không có gì là không biết nói. Chỉ là ta có biết chuyện trò với chúng hay không mà thôi. Và chúng có muốn bắt chuyện với ta hay không mà thôi. Khả năng chuyện trò ấy của Hồ Giáo thật đặc biệt, nó có thể khiến ta nghĩ tới một bậc chân nhân, một phù thủy. Nhưng Hồ Giáo lại cực bình thường.

Rời khỏi thiên nhiên thân thuộc của mình, rời khỏi những con vật nuôi yêu quí của mình, tôi đã thấy một Hồ Giáo ngơ ngác. Ông như lạc khỏi thế giới mình đang sống. Đó là lần tôi theo một đoàn làm phim lên thăm nhà Hồ Giáo. Lúc bấy giờ ông đã về hưu. Tôi đã thấy một người già chậm chạp, hầu như mất sức sống, và nghe những câu nói không rõ ràng, không đâu vào đâu của một người đãng trí, cứ như ông đang lạc vào cõi nào. Ấy là khi Hồ Giáo bị tách khỏi đàn trâu Mura, tách khỏi cánh đồng cỏ, tách khỏi thiên nhiên ông quen sống hàng ngày hàng đêm. Mùi cỏ tươi, mùi rơm khô cũng không còn vương vất nữa trong ngôi nhà được xây khá hiện đại.

Tôi nghĩ, nếu lại được lên sống ở trại nuôi trâu, Hồ Giáo sẽ lập tức sinh động, như ông đã từng sinh động. Và những câu chuyện bất tận của ông với những con vật nuôi sẽ triền miên như mưa rơi trên lá. Cây xanh hơn trong ngày mưa. Tôi đã nghe được cái ngân nga của câu văn cực giản dị này. Đó là cái ngân nga trong tâm hồn một con người giản dị tới mức hiền minh: ông Hồ Giáo. Sáng danh cho những ai biết trò chuyện cùng thiên nhiên, trò chuyện cùng những con vật lành hiền! Và sáng danh cho những ai suốt đời lao động, luôn coi lao động là lẽ sống cao cả nhất của mình!

TIN, BÀI LIÊN QUAN

Cảm động Anh hùng Hồ Giáo
Hồ Giáo và kỷ niệm với Bác Phạm Văn Đồng
Bài ca anh Hồ Giáo
Truyền nhân của Anh hùng Hồ Giáo
Tình cảm của Anh hùng lao động Hồ Giáo với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/201510/ho-giao-tro-chuyen-voi-thien-nhien-2638797/