'Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây' - Hồi ức đẹp về Hồ Gươm và Hà Nội xưa
Trưng bày tư liệu lưu trữ chủ đề 'Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây' do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức diễn ra chiều 6/10 tại Hà Nội.
Sự kiện là hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), hướng tới kỷ niệm 10 năm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt (9/12/2013 - 9/12/2023).
Trưng bày đưa tới công chúng cái nhìn toàn diện về sự tiếp biến cảnh quan, không gian lịch sử - văn hóa Hồ Gươm trong những năm đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh và bản vẽ mang tới những hồi ức đẹp về Hồ Gươm và Hà Nội xưa. Những hình ảnh quen thuộc về đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội nói chung và người dân khu vực quanh Hồ Gươm nói riêng, các công trình do người Pháp xây dựng cùng nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa được thể hiện qua 3 chủ đề: Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm; bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm; Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.
Hồ Gươm - dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Với vị trí đắc địa, Hồ Gươm được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này. Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hồ Gươm như một Giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam. Cùng với những nếp quen cũ, tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây khiến lối sống của người dân có nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó tạo nên dấu ấn rất riêng cho Hồ Gươm và phố cổ ngày nay.
Qua từng năm tháng, Hà Nội đã có nhiều đổi thay. Trong đó, Hồ Gươm nhanh chóng trở thành trung tâm hành chính, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và văn hóa giải trí, một Giao lộ - điểm kết nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây. Dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, Hồ Gươm vẫn luôn đóng vai trò là trung tâm, nơi hỗ trợ cho các hoạt động truyền thống, nơi chứng kiến, tiếp nhận những thăng trầm lịch sử của thành phố và người dân nơi đây.
Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, Trưng bày giúp công chúng hiểu thêm về sự biến đổi cảnh quan, không gian lịch sử - văn hóa Hồ Gươm từ quá khứ đến hiện tại. Thời gian tới, Ban Quản lý mong muốn được phối hợp cùng với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I nghiên cứu triển khai nhiều những dự án, chương trình nhằm hỗ trợ trong công tác bảo tồn các giá trị di sản trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Triển lãm “Hồ Gươm, Giao lộ Đông - Tây” diễn ra đến hết ngày 31/10 tại tầng 1 Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm và không gian đi bộ đường Lê Thái Tổ (đối diện đền Vua Lê).