Hồ Gươm thao thức
Việc UBND Hà Nội giữ nguyên quan điểm đặt ga ngầm C9 dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vào vườn hoa, cách Hồ Gươm 10 m lại một lần nữa gây xôn xao dư luận. Theo UBND thành phố Hà Nội, đây là phương án 'tối ưu' vì ga nằm ở vị trí rộng nhất của khu vực Hồ Gươm, cửa lên xuống số 3 sẽ thay thế nhà vệ sinh công cộng hiện tại, không phải giải phóng mặt bằng… Cũng cần nhắc lại, phương án này đã được Hà Nội đưa ra 11 năm trước nhưng chưa được phê duyệt do vấp phải ý kiến phản đối của các bộ ngành liên quan cùng nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 được thành phố Hà Nội nghiên cứu từ năm 2008, đến năm 2016 Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai. Hiện tất cả các hạng mục tuyến và ga đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng, trừ ga ngầm C9. Và vấn đề chính gây dư luận cũng chính là ga ngầm C9, khi nó ở vị trí gần như sát mép nước Hồ Gươm. Cũng một lần nữa phải nhắc lại, năm 2013 Khu di tích lịch sử và danh thắng hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước. Và Hồ Gươm chính là trái tim của Hà Nội. Không ai khi đến Hà Nội lại không ghé lại Hồ Gươm, đến để thấy hết vẻ đẹp dịu dàng quyến rũ của một thành phố ngàn năm tuổi. Không một người dân nào của thành phố này lại không lưu luyến, không có kỷ niệm với Hồ Gươm. Cột cây số “0” của đất nước cũng chính từ Hồ Gươm này. Hồ Gươm có một vẻ đẹp riêng không một hồ nước nào có được, nó mang vẻ Hà Nội bậc nhất trong tất cả những gì được cho là hồn cốt của Đông Đô -Thăng Long - Hà Nội. Vậy nên, ứng xử với Hồ Gươm phải hết sức thận trọng nếu không muốn trở thành tội đồ với tiền nhân, với những người yêu Hà Nội hôm nay và mãi mãi mai sau.
Hồ Gươm cũng chính là nơi chứng kiến sự giao thoa của nền văn minh Đông - Tây. Một bên hồ là “36 phố phường” được dựng lên bởi biết bao thế hệ, với những ngôi nhà hình ống, một kiến trúc được coi là thuần Việt hiếm hoi còn lại cho tới bây giờ. Còn một bên hồ là những kiến trúc biệt thự, kiến trúc châu Âu và kiến trúc Đông Dương thế kỷ 19. Bởi thế, mới có những loại cây thuần Việt đứng cùng với loại cây từ nơi trời xa, chúng đứng bên nhau chí ít cũng đã trên 100 năm trời.
Hồ Gươm trong tâm thức người Hà Nội, tâm thức người Việt Nam là chốn linh thiêng, là một cõi đi về, là nơi an ủi và xoa dịu tâm hồn của mỗi một con người. Dù đưa thêm bất kỳ một kiến trúc mới nào vào khu vực này cũng đều khiến người có tâm với Hà Nội băn khoăn và lo lắng.
Với một vị trí vô cùng quan trọng nên khu vực Hồ Gươm thực sự là một “mỏ vàng” dưới mắt những nhà kinh doanh. Không nơi nào kiếm tiền dễ như khu vực quanh Hồ Gươm. Vì thế, suốt những năm qua, người ta từng tìm mọi cách để dựng lên trong khu vực này những kiến trúc cao tầng với ý định “hiện đại hóa” Hồ Gươm. Thực chất, đó cũng chỉ là cách để kiếm tìm lợi nhuận ở nơi dễ có được lợi nhuận nhiều nhất. Nhưng Hồ Gươm không phải là nơi để kiếm tiền, mà đây là không gian công cộng mọi người cùng được thụ hưởng; một không gian văn hóa lộng lẫy và linh thiêng; không phải chỗ để cho những kiến trúc đè nặng lên hồ, vây chặt lấy hồ, kể cả “từ dưới đất chui lên”.
Trở lại với nhà ga C9. Ngay từ năm 2013 đã có dư luận trái chiều khi Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc đặt nhà ga này trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng. Ngày 9/3 vừa qua, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã tổ chức trưng bày lấy ý kiến nhân dân vào Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long -Trần Hưng Đạo). Theo đó, nhà ga chính C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Gươm, dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.
Ắng đi một thời gian, nay Dự án lại có vẻ sẽ tái khởi động. Có nghĩa là người ta không từ bỏ ý định. Nếu thế, thì rồi khu vực này sẽ không khác gì so với mấy cái ga tàu hỏa, lâu lâu lại thả ra hàng trăm con người. Vị trí dự định đặt ga C9 là rất nhạy cảm, vì nằm cạnh nhiều công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng khu vực Hồ Gươm, nơi có Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tượng đài Cảm tử... là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Đưa ga ra xa Hồ Gươm thì cũng có mất gì đâu. Quan trọng là phải bảo tồn không gian Hồ Gươm. Không thể chỉ vì tiện lợi hay mục đích trước mắt nào đó mà tác động xấu tới khu vực Hồ Gươm. Ý định tái khởi động Dự án đã lại khiến người ta băn khoăn, thao thức. Rồi đây Hồ Gươm sẽ ra sao. Một công trình được phép xây dựng, biết đâu từ đó người ta lại “lấn tới” với những kiến trúc khác đè nặng lên Hồ Gươm, vây lấy Hồ Gươm. Đó không chỉ là mối lo mà còn là một nguy cơ, cảnh báo cũng không thừa.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/ho-guom-thao-thuc-tintuc448549