Hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp được đề xuất miễn thuế 2 năm
Đây là nội dung được Bộ Tài chính đề xuất trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đề xuất chính sách miễn thuế TNDN trong 2 năm đầu với doanh nghiệp mới thành lập từ hộ kinh doanh, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Ảnh: Phạm Ngôn.
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất quy định về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp
Bộ cho biết theo khoản 4 Điều 15 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp đáp ứng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10, tức doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh, sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp kể từ thời điểm phát sinh thu nhập chịu thuế.
Thực hiện quy định nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu đối với các doanh nghiệp mới thành lập từ hộ kinh doanh (bao gồm cả cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp), với điều kiện đáp ứng các nội dung quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 của Nghị định hướng dẫn.
Thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp phát sinh thu nhập chịu thuế. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế được tính từ năm thứ 4.
Nếu trong kỳ tính thuế đầu tiên, thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh được miễn thuế dưới 12 tháng, doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng miễn thuế ngay trong kỳ tính thuế đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế để chuyển thời điểm bắt đầu miễn thuế sang kỳ tính thuế tiếp theo.
Trong trường hợp doanh nghiệp chọn thời gian miễn thuế từ kỳ tính thuế kế tiếp, thì vẫn phải xác định và nộp số thuế phải nộp trong kỳ tính thuế đầu tiên theo đúng quy định.
Sau thời gian miễn thuế theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành, nghề hoặc địa bàn ưu đãi thuế, thì sẽ tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi tương ứng như thuế suất ưu đãi hoặc miễn, giảm thuế theo quy định pháp luật.
Kết thúc thời gian miễn thuế và ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp sẽ áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định chung hiện hành.
Bộ Tài chính cũng lưu ý, để được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh phải đảm bảo đã đăng ký và hoạt động theo đúng quy định pháp luật, đồng thời có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục tối thiểu 12 tháng tính đến thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Doanh nghiệp thành lập mới được hưởng chính sách miễn thuế và ưu đãi thuế phải là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lần đầu. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.
Doanh nghiệp thành lập mới được hưởng chính sách miễn thuế và ưu đãi thuế phải là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lần đầu.
Chính sách này không áp dụng cho các trường hợp doanh nghiệp mới thành lập mà người đại diện theo pháp luật (trừ khi không phải là thành viên góp vốn), thành viên hợp danh, hoặc người có tỷ lệ vốn góp cao nhất đã từng tham gia hoạt động kinh doanh với các vai trò tương tự tại một doanh nghiệp khác đang hoạt động hoặc đã giải thể chưa quá 12 tháng tính đến thời điểm thành lập doanh nghiệp mới.
Đề xuất 14 loại thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Ngoài ra, tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế đối với 14 loại thu nhập nhằm khuyến khích các lĩnh vực sản xuất, đổi mới sáng tạo và hoạt động vì mục tiêu xã hội.
Trong nhóm thu nhập từ hoạt động sản xuất, đề xuất miễn thuế áp dụng với các khoản thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản; từ sản xuất sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông - thủy sản tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ các hoạt động tương tự, bao gồm cả sản xuất muối, cũng nằm trong diện được miễn thuế.
Với lĩnh vực khoa học - công nghệ, các phần thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đề xuất miễn thuế trong thời gian tối đa không quá 3 năm.
Ngoài ra, thu nhập từ bán sản phẩm tạo ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, cũng như sản phẩm trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm (bao gồm cả sản xuất thử nghiệm có kiểm soát theo quy định) cũng thuộc diện miễn thuế.
Doanh nghiệp có từ 30% lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS và tổng số lao động bình quân từ 20 người trở lên, trừ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, bất động sản cũng được đề xuất miễn thuế cho phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra, các khoản thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, liên doanh, liên kết đã nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả trường hợp bên nhận góp vốn, bên phát hành cổ phiếu, bên liên doanh, liên kết được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng được miễn thuế.
Một số khoản thu nhập mang tính hỗ trợ, tài trợ hoặc đặc thù cũng được đề xuất miễn thuế, gồm các khoản tài trợ dành cho hoạt động giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xã hội khác tại Việt Nam; khoản tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số từ các doanh nghiệp không có mối quan hệ liên kết; khoản hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định...
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề xuất miễn thuế với khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản khi cổ phần hóa hoặc sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành; thu nhập từ lãi trái phiếu xanh và chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau phát hành...