Cấm xe máy xăng, lượng xe dư thừa sẽ giải quyết như thế nào?

Chủ trương hạn chế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hà Nội sẽ phải đi kèm với các biện pháp hỗ trợ người dân trong thời gian tới để đạt hiệu quả cao nhất.

Ngày 12/7, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu thành phố Hà Nội nghiên cứu và triển khai các giải pháp để hạn chế ô tô, xe máy sử dụng xăng, dầu.

Lộ trình triển khai cần được xây dựng từ quý III năm 2025 và điều chỉnh hàng năm, với các giải pháp đề xuất gồm tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, điều chỉnh giá dịch vụ trông giữ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch...

Trước đó, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nghị quyết về thí điểm thực hiện Vùng phát thải thấp (LEZ) tại một số khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm cũ và Ba Đình cũ từ năm 2025.

Các giải pháp được triển khai phải đảm bảo Hà Nội đến ngày 1/7/2026 sẽ không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy và hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1 và Vành đai 2. Từ năm 2030, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng triển khai đến Vành đai 3.

Hiện tại, ô tô đăng ký tại Hà Nội đang có mức lệ phí trước bạ áp dụng cao nhất cả nước với 12% cho xe con và 7,2% cho xe bán tải và phí ra biển số là 20 triệu đồng. Trong khi đó, xe điện hiện đang được miễn lệ phí trước bạ tới 28/2/2027 nhằm giúp người dân tiếp cận dễ hơn với loại phương tiện xanh này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia dù đồng tình với chủ trương của Chính phủ về việc hạn chế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhưng cũng đề xuất rằng lộ trình triển khai cần phải cân nhắc kỹ hơn, và phải có phương án chuyển đổi sang xe điện cho người dân.

Anh Vi Đức Thọ - một nhà báo có nhiều năm theo dõi về lĩnh vực ô tô xe máy cho rằng, người dân cần có chính sách hỗ trợ để giúp giảm gánh nặng tài chính và thấy mình đang thật sự được quan tâm.

Anh Thọ chia sẻ: "Xe máy là phương tiện kiếm sống của đại đa số người dân. Vì vậy, quyết sách liên quan đến cần câu cơm của dân chúng thì phải tính toán kỹ lưỡng, phải có quy hoạch".

Anh Vi Đức Thọ - nhà báo có nhiều năm theo dõi mảng ô tô xe máy. (Ảnh: NVCC)

Anh Vi Đức Thọ - nhà báo có nhiều năm theo dõi mảng ô tô xe máy. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, anh Thọ cũng đặt ra vấn đề về việc lãng phí rất nhiều xe máy nếu cấm phương tiện chạy bằng xăng/dầu: "Đến đầu năm nay, Hà Nội đang có khoảng 7 triệu xe máy lưu hành. Giả sử tính vùng trong các Vành đai 1-2-3 cũng tầm 2,5 - 3 triệu chiếc. Nếu đổi ngang bằng ấy xe thì sẽ gây ra sự dư thừa cực lớn. Đưa về các vùng ngoại ô và các tỉnh khác?".

Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Đức, một kỹ sư xây dựng tại Hà Nội, cho rằng nếu cấm các phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì cần phải hoàn thiện tốt hệ thống giao thông công cộng để phục vụ di chuyển trong các khu vực triển khai trong thời gian tới.

Theo anh Đức: "Trong trường hợp người dân chưa chuyển đổi kịp sang các xe điện, Hà Nội cần có các loại phương tiện công cộng kết nối tốt ở các khu vực Vành đai 1 hay Vành đai 2 trước khi triển khai. Đồng thời, thành phố cũng cần xây dựng các điểm gửi xe máy, ô tô xung quanh các đường vành đai này để thuận tiện hơn cho người dân".

Bên cạnh đó, để mang đến một môi trường thực sự trong sạch, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Hà Nội nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp các phương tiện xanh, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ cho loại phương tiện này; đồng thời, cũng phải có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang các loại xe sử dụng năng lượng sạch.

Cùng quan điểm như anh Thọ, anh Lê Vương Thịnh - sống tại TP.HCM, cũng là người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực ô tô xe máy phân tích: "Chỉ tính riêng trong khu vực Vành Đai 1 Hà Nội đang có khoảng 2,5 triệu xe máy xăng của người dân. Nếu buộc phải chuyển đổi sang xe máy xăng trong vòng 1 năm thì sẽ tạo ra những vấn đề lớn. Khi 2,5 triệu chiếc xe máy xăng cũ từ khu vực Vành Đai 1 Hà Nội được đẩy ra các khu vực lân cận cũng sẽ tạo ra áp lực lớn lên thị trường trong ngắn hạn. Các cửa hàng/đại lý sẽ gặp khó khăn khi không thể bán được xe mới nhiều như trước và đồng thời phải giảm giá bán nếu muốn đẩy hàng".

Anh Lê Vương Thịnh bày tỏ sự lo lắng về việc người dân phải chịu áp lực tài chính để chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. (Ảnh: NVCC)

Anh Lê Vương Thịnh bày tỏ sự lo lắng về việc người dân phải chịu áp lực tài chính để chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. (Ảnh: NVCC)

"Giá xe cũ có lẽ cũng giảm sâu khi mà người dân nghĩ nhiều hơn về xe máy điện vì lo sợ không thể đi xe vào các khu trung tâm hoặc không rõ khi nào thì đến khu vực của mình bị cấm. Thực sự nếu Chỉ thị 20/CT-TTg mở rộng ra nhiều thành phố lớn hơn thì ngành xe máy xăng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Có lẽ việc chuyển đổi sản phẩm kinh doanh sẽ xảy ra trên diện rộng vì nếu chỉ bán xe xăng sẽ khó khăn" - anh Thịnh bày tỏ.

Theo anh Thịnh, Honda hay Yamaha đều đã có xe máy điện nhưng chưa thể chuyển đổi nhanh vì những yếu tố như dây chuyền sản xuất, thị phần quá lớn, nguồn lợi khổng lồ,... Nhưng khi chính sách thay đổi đột ngột thì buộc họ phải nhanh hơn.

Anh Lê Vương Thịnh cũng cho rằng: "Việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện, phương tiện xanh, công cộng... tại các đô thị lớn có thể giúp giảm ô nhiễm, tiếng ồn,... nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực như hạ tầng trạm sạc, quản lý chất lượng xe và xử lý pin thải,... Cùng với đó, giá xe máy điện đang dao động tầm 15-50 triệu đồng nên để mua xe máy điện mới sẽ là áp lực tài chính đối với những người có thu nhập trung bình và thấp".

Bảo Linh - Hoàng Phúc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/xe-may/cam-xe-may-xang-luong-xe-du-thua-se-giai-quyet-nhu-the-nao-post1214472.vov