Hộ kinh doanh tiếp cận gần 23.000 tỷ vốn vay không cần tài sản đảm bảo

Các hộ kinh doanh không có tài sản đảm bảo vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn vay, tín chấp của ngân hàng nhờ nền tảng chuyển đổi số, tăng tỉ lệ vay thành công so với truyền thống.

Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong khi đó, một mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 68 là đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp. Để làm được điều này, cần giúp hộ kinh doanh tăng trưởng quy mô, chuyển đổi thành doanh nghiệp. Chỉ khi huy động sức mạnh, giải phóng tiềm năng, 5 triệu hộ này mới tạo được đột phá cho kinh tế đất nước.

Dù vậy, theo ông Lê Hồng Quang, TGĐ Công ty cổ phần Misa, các hộ kinh doanh đối mặt với 3 vấn đề căn cơ. Đó là thiếu kiến thức quản trị kinh doanh bài bản; thiếu kiến thức kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số; đa phần áp dụng thuế theo hình thức khoán, số liệu chưa minh bạch, rất khó tiếp cận vốn vay.

Ông Lê Hồng Quang, TGĐ Công ty cổ phần Misa, nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số với sự phát triển của các hộ kinh doanh tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025. Ảnh: Du Lam

Ông Lê Hồng Quang, TGĐ Công ty cổ phần Misa, nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số với sự phát triển của các hộ kinh doanh tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025. Ảnh: Du Lam

Để giải quyết những hạn chế này, có thể áp dụng 3 giải pháp: chuyển đổi số để nâng cao năng suất, hiệu quả; hỗ trợ nhà nước giúp hộ kinh doanh chuyển đổi từ khoán thuế sang kê khai bài bản; có số liệu minh bạch, có độ tin cậy để mở rộng kinh doanh với đối tác lớn hơn và tiếp cận vốn vay của ngân hàng.

Từ góc độ của nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số, Misa đang hỗ trợ các hộ kinh doanh tùy theo quy mô.

Với hộ kinh doanh quy mô nhỏ, không có khả năng đầu tư thiết bị đắt tiền, họ chỉ cần một smartphone để thực hiện các thao tác: bán hàng, thu tiền (tiền mặt hoặc chuyển khoản), xuất hóa đơn, khai thuế tự động. Những chủ hộ lớn tuổi, chưa quen với thao tác nhập liệu, được AI hỗ trợ để chuyển từ giọng nói thành văn bản.

Với các hộ kinh doanh có quy mô lớn hơn, cần nhu cầu thuê kê khai thuế, Misa cung cấp nền tảng để kết nối hơn 24.000 chuyên gia tài chính trên toàn quốc. Mỗi chuyên gia có thể kê khai thuế cho 100-200 hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề tiếp cận vốn vay, các hộ kinh doanh được tham gia nền tảng kết nối với hơn 10 ngân hàng lớn. Họ sẽ nhìn thấy các gói vay và biết được có thể vay được của ngân hàng nào qua hệ thống chấm điểm tín dụng. Quá trình đăng ký hồ sơ, gửi dữ liệu được rút ngắn và tự động, họ sẽ nhận kết quả trong vòng 1-2 ngày.

Ông Quang thông tin, tỉ lệ giải ngân qua nền tảng đạt hơn 30%, cao gấp gần 10 lần vay truyền thống. Sau hơn 2 năm hoạt động, nền tảng đã hỗ trợ xấp xỉ 23.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Sau khi chuyển đổi số, bài toán tiếp cận vốn vay sẽ được giải quyết.

Những giải pháp nói trên sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 68 như chuyển đổi số để giúp các hộ kinh doanh nâng cao năng suất, giúp nhà nước và hộ kinh doanh chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoán sang hộ kinh doanh kê khai, tiếp cận vốn vay.

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/2-nam-tiep-can-gan-23-000-ty-von-vay-khong-can-tai-san-dam-bao-2405322.html