'Kích hoạt' kinh tế tư nhân: Để thể chế hóa, phải sửa luật, bãi bỏ luật

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, việc sửa đổi Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn cần phải được triển khai nhanh, có cơ chế rõ ràng để Nghị Quyết 68 của Đảng, Nghị quyết 198 của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) đi vào cuộc sống. Nếu không thể chế hóa được, Nghị quyết vẫn chỉ là Nghị quyết.

Nhân tọa đàm "Mở cao tốc" cho kinh tế tư nhân do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 28/5, Báo Tin tức và Dân tộc đăng tải những ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, Cục Thuế, đại biểu Quốc hội cũng như doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế về vấn đề này.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: BTC

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: BTC

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội:

Có thể giảm tối đa thủ tục rào cản, thậm chí bãi bỏ

Có thể bãi bỏ, cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh hơn so với yêu cầu. Nếu thực hiện đầy đủ tinh thần theo Nghị quyết 68 sẽ tạo ra một bước ngoặt phát triển lịch sử của KTTN. Vấn đề làm sao thực thi đầy đủ, hiệu quả các nội dung của Nghị quyết. Bởi từ chủ trương của Đảng đến thể chế hóa và đưa vào cuộc sống là một quá trình rất khó, thậm chí khó hơn cả làm Nghị quyết.

Để thể chế hóa, phải sửa luật, bãi bỏ luật và các nghị định, thông tư nên cần thời gian. Trong Nghị quyết 198 của Quốc hội nhiều nội dung có thể thực hiện ngay như miễn, giảm, thuế, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên còn rất nhiều nội dung cần tiếp tục thể chế hóa. Nghị quyết cũng đưa ra mốc thời gian Chính phủ phải làm, trong đó có pháp luật về đầu tư, kinh doanh phải ưu tiên thực hiện để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp.

Ví dụ, Nghị quyết 198 yêu cầu chậm nhất ngày 31/12/2025 hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn có thể cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh với tỷ lệ cao hơn, thậm chí bỏ hoàn toàn hoặc cắt giảm đạt 60 - 70%.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính:

Sẽ thể chế hóa nội dung và triển khai nửa cuối năm 2025

Máy móc và thiết bị hiện đại tại Phú Thái Cat – liên doanh giữa Phú Thái và Carterpillar trong lĩnh vực phân phối và dịch vụ thiết bị công trình. Ảnh: PT

Máy móc và thiết bị hiện đại tại Phú Thái Cat – liên doanh giữa Phú Thái và Carterpillar trong lĩnh vực phân phối và dịch vụ thiết bị công trình. Ảnh: PT

Các chính sách trong Nghị quyết 68 tương đối rõ, không bị khó hiểu khi triển khai. Chúng tôi kỳ vọng tới tháng 6, tháng 7/2025 sẽ thể chế hóa nội dung và triển khai ở nửa cuối năm 2025. Nhiều chính sách trong Nghị quyết 68 không phải bây giờ mới đề cập mà từng được nêu trong nghiên cứu chính sách trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, chính sách chưa “chạm” tới vấn đề của doanh nghiệp.

Chúng ta có nhiều luật, nghị quyết, quyết định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) hỗ trợ đầu tư đặc biệt với doanh nghiệp muốn chuyển giao công nghệ. Chính sách đã có nhưng "lờ nhờ," không tới được những vấn đề doanh nghiệp mong muốn.

Đến Nghị quyết 68, có sự quan tâm ở tầm cao nhất, tư tưởng trong bài phát biểu Tổng Bí thư Tô Lâm là Kim chỉ nam, Ban soạn thảo nội dung Nghị quyết 68 dám đề cập mạnh mẽ hơn. Ví dụ, nội dung làm rõ "không hình sự hóa quan hệ kinh tế" dù đã nhắc từ lâu nhưng mấy chục năm chưa thực thi để đạt mức độ yên tâm cho KTTN.

Ngay khi Nghị quyết 68 thông qua, Ban soạn thảo chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Quốc hội ban hành Nghị quyết 198 trong 11 ngày. Trong 1 tuần, Ban soạn thảo đã trình Chính phủ 2 Nghị quyết để Chính phủ phân công đầu trách nhiệm từng cơ quan.

Hiện dự thảo Nghị quyết Chính phủ quy định rõ chính sách và thời hạn. Bộ ngành, địa phương trong quý 2/2025 ban hành kế hoạch triển khai. Tôi hy vọng, cơ quan bộ ngành triển khai một cách nhanh nhất; địa phương bắt tay xây dựng kế hoạch hành động.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Kim Nam Group.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Kim Nam Group.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Kim Nam Group:

Cần Nghị quyết riêng biệt cho doanh nhỏ và vừa

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) là đơn vị cung cấp dịch vụ cuối cùng cho người tiêu dùng trong xã hội. Nghị quyết 68 đang tạo ra luồng gió mới, ngoài ban hành thể chế, cần làm mạnh hơn nữa công tác truyền thông; đồng thời phổ biến kinh nghiệm thành công của DNN&V, để cộng đồng doanh nghiệp đi vào “cao tốc” KTTN như thế nào.

Bên cạnh Nghị quyết 68, chúng ta có thể xem xét ban hành 1 Nghị quyết hay thể chế cụ thể cho DNN&V phát triển. Nếu đã mở “cao tốc” cho KTTN cần cho số đông đi vào, không chỉ là tập đoàn, doanh nghiệp lớn mà cần mở Nghị quyết riêng biệt cho cộng đồng DNN&V để họ được bảo vệ, được tạo động lực phát triển. Chúng ta cần cụ thể hóa hơn nữa bằng Nghị quyết, thể chế để chuyển được 5 triệu hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BIM, phụ trách Ban Phát triển Dự án Tập đoàn:

Chờ đợi thể chế, hành lang pháp lý rõ ràng

Với Nghị quyết 68, doanh nghiệp chúng tôi rất phấn khởi và mong chờ sửa đổi luật, nghị định, thông tư hướng dẫn để có cơ chế rõ ràng, thuận lợi cho triển khai.

Việc phân quyền, phân cấp xuống địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính là tín hiệu đáng mừng, tạo đà cho doanh nghiệp thực hiện dự án hiệu quả. Đặc biệt với KTTN, hành lang pháp lý minh bạch còn giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, từ khâu phê duyệt dự án đến công tác thi công, góp phần giảm chi phí nhưng tăng giá trị kinh tế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm. Doanh nghiệp đang sẵn sàng đón chờ thể chế rõ ràng để tạo động lực triển khai, phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam):

Cần giao chỉ tiêu phát triển KTTN cho địa phương

VCCI vừa rà soát các văn bản pháp luật để đề xuất Chính phủ cắt bỏ, bãi bỏ những quy định không hợp lý. Chúng tôi đã có một Chương trình tham vấn cho hiệp hội doanh nghiệp, hộ kinh doanh về những vướng mắc, phiền hà cần tháo gỡ.

Hệ thống kho vận chuyên nghiệp lưu trữ và phân phối hàng tiêu dùng tại kho Phú Thái Group.

Hệ thống kho vận chuyên nghiệp lưu trữ và phân phối hàng tiêu dùng tại kho Phú Thái Group.

Với Nghị quyết 68, đây là cơ hội “vàng” để cải cách. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân phải chủ động đề xuất những điểm cần tháo gỡ, chứ không chỉ chờ cơ quan quản lý rà soát, cắt bỏ. Gốc rễ của môi trường kinh doanh là chính sách thực chất đi vào cuộc sống.

Các bộ, ngành ban hành chính sách phải phục vụ cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Mỗi bộ, ngành nên có những sáng kiến, chương trình cắt giảm các thủ tục vướng mắc của doanh nghiệp hoặc chương trình hành động tốt hơn cho doanh nghiệp. Tôi hy vọng sẽ có chính sách giao chỉ tiêu về phát triển KTTN cho địa phương. Mỗi bí thư, chủ tịch UBND tỉnh phải có mục tiêu kéo được nhiều doanh nghiệp, có được nhiều doanh nghiệp mới…

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính:

Hộ kinh doanh có lợi khi chuyển từ thuế khoán sang kê khai

Trước đây, nhiều hộ kinh doanh quen với nộp thuế khoán nên chưa chú trọng việc ghi chép sổ sách và minh bạch doanh thu. Khi bỏ thuế khoán, hộ kinh doanh buộc phải thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ như mô hình hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai hay doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Việc chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai không làm thay đổi tỷ suất, phương thức tính thuế với hộ kinh doanh. Cơ quan Thuế tạo ra tờ khai, xác nhận doanh thu đúng. Với hộ kinh doanh sẽ có tỷ lệ thuế không thay đổi, chỉ khai đúng, khai đủ. Chi phí người nộp thuế thực hiện việc nộp thuế theo hình thức kê khai giảm đi so với thuế khoán.

Việc chuyển đổi từ khoán thuế sang kê khai giúp hộ kinh doanh giảm chi phí tuân thủ và thời gian thực hiện. Người nộp thuế minh bạch hơn với thủ tục đơn giản có sự tham gia của ứng dụng nền tảng, thiết bị, tối đa hỗ trợ từ phần mềm, tờ khai gợi ý.

Nhiều năm qua, hình thức thuế khoán được áp dụng như một giải pháp hỗ trợ, phù hợp với điều kiện quản lý và khả năng tuân thủ của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, yêu cầu về minh bạch, công bằng và hiện đại hóa quản lý ngày càng cao, hình thức khoán đã bộc lộ một số hạn chế, cũng như chưa đem lại động lực cần thiết để các hộ kinh doanh phát triển quy mô sản xuất kinh doanh.

Khi các hộ kinh doanh tự kê khai trên nền tảng số, cơ quan Thuế có thể hỗ trợ tối đa thông qua các ứng dụng kê khai, nộp thuế điện tử đơn giản. Bên cạnh đó, việc này giúp chống gian lận, thất thu thuế hiệu quả hơn và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, bởi mọi hộ kinh doanh đều phải tuân thủ nghĩa vụ thuế trên cùng một phương thức minh bạch như nhau.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung:

Thời điểm sống còn để cải cách lần hai

Trong bối cảnh thực hiện các Nghị quyết 68, 198 và đặc biệt những chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư, yêu cầu chuyển từ nhận thức sang hành động là cấp thiết. Tuy nhiên, cách thực hiện hiện vẫn mang tính mệnh lệnh hành chính, xuất phát từ yêu cầu của cán bộ quản lý chứ không phải từ nhu cầu của doanh nghiệp hay người dân.

Việc chuyển sang cơ chế hậu kiểm, được xem là xu thế quản lý hiện đại, đòi hỏi thay đổi toàn bộ từ tư duy, tổ chức đến năng lực giám sát. Hậu kiểm không thể chỉ dựa vào bộ máy Nhà nước, mà cần huy động cả xã hội, người tiêu dùng và báo chí cùng tham gia. Nếu không quyết liệt thay đổi cách thức, không hướng vào người dân và doanh nghiệp, cải cách sẽ thất bại.

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là giảm được “hình sự hóa”

Nghị quyết 68 ngay khi ra đời đã tạo ra cú hích, động lực, niềm cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta có thể thấy điều đó qua việc VinSpeed và THACO đề xuất đầu tư làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Quan điểm của Đảng về không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đã đề cập từ lâu. Vấn đề là thực hiện thế nào? Hình sự hóa hay không hình sự hóa liên quan đến Luật Hình sự mà Quốc hội đang sửa. Tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong Bộ Luật Hình sự nên cần rà kỹ trong sửa đổi để thể hiện được tinh thần mà Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 nêu ra.

Có lẽ, nên nghiên cứu để bỏ bớt các tội trong lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, để hạn chế hình sự hóa cần giảm bớt ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ cần giảm một ngành nghề kinh doanh có điều kiện là có thể bãi bỏ, giảm được rất nhiều thủ tục, giấy phép cho doanh nghiệp.

Bài, clip: M.Phương - L.Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kich-hoat-kinh-te-tu-nhan-de-the-che-hoa-phai-sua-luat-bai-bo-luat-20250528174100759.htm