Hò thuốc cá - làn điệu dân ca đặc trưng của người Nguồn ở Quảng Bình

Hò thuốc cá bắt nguồn từ nghề chế thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá, mang đậm nét văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người huyện Minh Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.

Hò thuốc cá bắt nguồn từ nghề chế thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử huyện Minh Hóa)

Hò thuốc cá bắt nguồn từ nghề chế thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử huyện Minh Hóa)

Làn điệu hò thuốc cá được xem là làn điệu dân ca đặc trưng của người Nguồn ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hò thuốc cá có liên quan mật thiết đến lao động sản xuất, mang đậm nét riêng, bắt nguồn từ nghề chế thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá.

Hò thuốc cá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 607/QĐ-BVHTTDL ngày 3/2/2021.

Vào mùa Đông và mùa Xuân, người Nguồn đi từng đoàn lên rừng bới rễ cây tèng (thuộc họ dây leo, rễ dạng củ, có chứa độc tố), về đập dập, trộn với đất ướt, lấy bùn trát kín, ủ lại, rồi chất củi đốt xung quanh. Sau đó, họ mang thuốc ra suối, khe, tìm chỗ có nhiều cá nhất, chọn một chỗ cao ở đầu suối, khe, lấy đá xếp vòng tròn để tạo thành một cái cối.

Người dân cùng giã thuốc một lúc, cùng giơ lên, cùng hạ xuống, nên tùy vào số người giã thuốc mà xếp cối rộng, hẹp. Xếp cối xong, họ lấy rễ cây tèng đã được ủ chín bỏ vào cối, rồi chặt những cây rừng thẳng, dài khoảng 1,5m, to vừa tay cầm, vát nhọn một đầu để làm chày giã thuốc.

Họ giã cho nước rễ cây tèng chảy ra, hòa vào dòng nước, làm cho cá bị mờ mắt, nổi lên mặt nước để họ có thể bắt cá dễ dàng. Ngoài loại rễ cây tèng, người ta cũng dùng rễ cây hôi hôi và lá cây cơn cơn mọc bên suối để làm thuốc đánh cá. Hai loại cây này thường được sử dụng vào mùa Hè, mùa Thu, lấy về sử dụng ngay chứ không ủ chín như rễ cây tèng.

Điều đặc biệt là các loại cây có độc tố này làm cho một số loài cá bị say, bị chết, nhưng lại vô hại đối với người và các loài thủy sản khác (như cá lóc, cá chạch, lươn, ốc…). Khi cá bị bắt hết, độc tố của rễ cây cũng không còn ảnh hưởng đến dòng nước nữa.

Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa, hò thuốc cá có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc, dễ hát, dễ thuộc, mang tính tập thể cao, không khí rộn ràng... nên ai cũng có thể hò được. Chỉ cần có người xướng lên và có người cùng hòa nhịp để xô là người ta lập tức bị cuốn vào một cách tự nhiên, không e dè, câu nệ.

Cũng từ điệu hò ban đầu, với nội dung chính gắn với công việc giã thuốc cá, dần dần, người ta còn đưa vào nhiều nội dung khác, xuất hiện thêm những dị bản khác như đối đáp giao duyên nam nữ rất tình tứ.

 Trình diễn hò thuốc cá tại Hội rằm tháng Ba Minh Hóa. (Nguồn: Báo Quảng Bình)

Trình diễn hò thuốc cá tại Hội rằm tháng Ba Minh Hóa. (Nguồn: Báo Quảng Bình)

Trong hò thuốc cá ở huyện Minh Hóa, cụm từ “hôi lên là hôi lên” xướng lên để tất cả cùng xô nên người ta cũng gọi hò thuốc cá là “hò hôi lên” hay là “hò thuốc” hoặc “đi thuốc."

Trong hò thuốc cá, người ta quy ước rõ kiểu cách tham gia của từng thành viên. Bao giờ cũng có “hò cái” và “hò con." Khi hò, hò cái là người “lĩnh xướng” còn hò con là người “xố." Mỗi câu hò thường thì chỉ có một người lĩnh xướng, còn người xố thì có thể một hoặc tất cả đám đông có mặt, người ta gọi là “hội xố." Điều này thể hiện tính quần chúng của diễn xướng và thu hút đám đông rất mạnh mẽ, tạo nên hiệu ứng rộn ràng.

Cách hò nguyên sơ và đơn giản nhất trong hò thuốc cá với kết cấu 6/8 là người hò cái hò hết câu 6, tất cả hò xố: "hôi lên là hôi lên," người hò cái tiếp tục hò hết câu 8, rồi tất cả hò xố: "hôi lên là hôi lên" để kết thúc một câu hò.

Trong quá trình hát câu 6, câu 8, người ta có thể thêm những tiếng đệm, hư từ, luyến láy, kết hợp với tuyến giai điệu mềm mại, lượn sóng, hình thành một bài hát trọn vẹn. Câu xô vẫn giữ số từ đều đặn (5 từ) nhưng câu kể thì số từ có thay đổi (câu kể đầu chỉ có 9 từ, câu kể sau lên tới 12 từ), tuy vậy, vẫn không làm thay đổi hay xáo trộn tốc độ hay nhịp giã của chày.

 Tái hiện điệu hò thuốc cá của người Nguồn ở Minh Hóa, Quảng Bình. (Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Tái hiện điệu hò thuốc cá của người Nguồn ở Minh Hóa, Quảng Bình. (Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Một điểm độc đáo ở điệu hò là tất cả mọi người cùng làm một động tác đưa chày lên và giã chày xuống cùng một thời điểm, đúng vào lúc hát ở phách mạnh trong ô nhịp 2/4 của bản nhạc.

Phần lời ca có nội dung phong phú như: cầu nguyện để thuốc được nhiều cá, bình yên trở về hoặc đối đáp nam nữ tỏ tình với nhau... Khi hò, người ta có thể tăng thêm từ trong câu lục bát theo hình thức nhắc lại hoặc thêm các từ đệm như: chừ, mà, rồi, ơ...

Ngày nay, hò thuốc cá được diễn xướng trong các cuộc hội hè, đình đám như lễ hội (đặc biệt là trong Hội rằm tháng Ba - lễ hội lớn nhất của huyện Minh Hóa), đám cưới và cả khi ru con...

Hò thuốc cá phản ánh những tri thức dân gian cũng như đời sống tinh thần, mang đậm nét văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người Minh Hóa nói riêng và Quảng Bình nói chung./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ho-thuoc-ca-lan-dieu-dan-ca-dac-trung-cua-nguoi-nguon-o-quang-binh-post915554.vnp