Có gì tại thành phố cảng xinh đẹp ở phía Bắc của Đài Loan?

Công viên địa chất 'đảo trên đảo' nhìn ra Thái Bình Dương, động Bàn tay Phật, chợ đêm 70 món và Khu phức hợp hải dương học 500.000m2 là 4 trong số 10 điểm đến thú vị của Cơ Long (Đài Loan).

Cơ Long là thành phố cấp tỉnh nằm ở phía Bắc Đài Loan (Trung Quốc), cách Đài Bắc gần 30km. Khách du lịch từ thủ đô có thể ghé thăm Cơ Long trong ngày, di chuyển khoảng 1 tiếng bằng ôtô.

Tại đây có cảng Cơ Long, 1 trong 8 cảng biển lớn trong số 15 cảng biển tại vùng lãnh thổ này. Là thành phố công nghiệp nhưng Cơ Long có nhiều điểm nhấn về thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực.

Dưới đây là gợi ý về những điểm đến không nên bỏ lỡ tại thành phố này.

Tháp Cơ Long

 Tháp Cơ Long mang màu cam bắt mắt. (Ảnh: Công thông tin thành phố Cơ Long)

Tháp Cơ Long mang màu cam bắt mắt. (Ảnh: Công thông tin thành phố Cơ Long)

Tháp Cơ Long chính thức mở cửa đầu năm 2024 với kinh phí xây dựng 15 triệu USD. Tháp mở tham quan miễn phí, là một trong những công trình du lịch mới và đặc trưng nhất của thành phố.

Tháp Cơ Long ẩn mình trong một con ngõ nhỏ. Ở độ cao 60m, tháp cho phép nhìn toàn cảnh và địa hình thành phố. Tại đây du khách có thể thấy tòa nhà cao nhất Cơ Long (tháp Lih-Rong An Imperial Crown Building 148m), biển tên Keelung (Cơ Long) gắn trên núi, miếu Zhupu và tượng Phật bà quan âm lớn nhất Đông Nam Á. Sau khi tham quan, du khách có thể nghỉ chân tại quán cafe, chụp ảnh lưu niệm tại hiệu sách trên tháp để lưu giữ những hình ảnh đẹp.

Chủ Phổ Đàn (Miếu Zhupu)

 Ngôi miếu Zhupu - tâm điểm của Cơ Long mỗi dịp Rằm tháng Bảy. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngôi miếu Zhupu - tâm điểm của Cơ Long mỗi dịp Rằm tháng Bảy. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chủ Phổ Đàn hay miếu Zhupu theo phiên âm tiếng Anh tọa lạc trên núi Trung Chính, có thể đi từ tháp Cơ Long qua một cây cầu là tới. Ngôi miếu lâu đời được xây dựng từ thời thuộc địa Nhật, nay là điểm đến tôn giáo-tín ngưỡng được quan tâm nhất của thành phố.

Người Đài Loan (Trung Quốc) thường tổ chức Lễ Xá tội vong nhân (Rằm tháng Bảy) rất lớn. Tại Cơ Long, hầu như mọi người dân đều đến đây để cúng bái tổ tiên. Ước tính miếu đạt khoảng 10.000 lượt tham quan chiêm bái mỗi dịp này.

Bên cạnh khu vực thờ cúng, miếu này còn có một phòng bảo tàng giới thiệu về các phong tục tín ngưỡng địa phương xưa, ảnh hưởng từ Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và các tín ngưỡng đại phương khác.

Động Bàn tay Phật

 Bàn tay Phật tạc trên trần hang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bàn tay Phật tạc trên trần hang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cách tháp Cơ Long khoảng 4km là động Bàn tay Phật, thuộc cùng một tổ hợp điểm đến tâm linh với chùa Tiên Động. Đi vào khoảng 20m du khách sẽ thấy một bàn tay lớn được tạc trên trần hang, được dân địa phương hình tượng hóa thành tay Phật.

Động Bàn tay Phật là hang động tự nhiên, khi xưa do bị sóng biển đánh vào gây xói mòn mà thành. Khu vực tham quan động ngày nay sâu khoảng 20-30m tính từ cửa vào.

Chùa Động Tiên (Xian Dong Yan)

 Tượng khắc trên vách đá trong chùa Động Tiên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tượng khắc trên vách đá trong chùa Động Tiên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cách động Bàn tay Phật khoảng 30m đi bộ là chùa Động Tiên. Chùa nằm trong núi và được hình thành từ thời nhà Thanh. Ở cổng vào có một tượng Phật lớn và dễ nhìn thấy từ xa. Động Tiên sâu khoảng 80m, rộng ở phía gian thờ và hẹp, sâu về phía sau.

Hang có nhiều hình tượng Phật giáo và văn bản Hán tự được tạc và khắc trên đá, dọc theo lối vào gian thờ chính. Nhiều ban thờ các cũng từ hốc đá tự nhiên được cải tạo mà thành. Tư liệu thời Nhật thuộc từng viết khi đứng ở trong hang nghe thấy tiếng sóng vang vọng.

Công viên Triều Kinh (Công viên Chaojing)

 Một góc bên bờ biển tại công viên Triều Kinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một góc bên bờ biển tại công viên Triều Kinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Người yêu thích thiên nhiên và cảnh quan yên bình nên đến công viên Triều Kinh. Nơi đây từng là bãi tập kết rác lớn, về sau được cải tạo lại với một số cơ sở vật chất được làm từ nguyên liệu tái chế.

Người dân địa phương coi công viên Triều Kinh được xem như biểu tượng của sự đủ đầy, no ấm. Vùng biển nơi đây 2 hải lưu ấm từ Kuroshio và lạnh từ Oyu ở cả bề mặt và sâu trong lòng biển. Nhờ vậy vùng biển được bồi đắp phù sa và làm giàu về nguồn dinh dưỡng, thu hút nhiều loại cá tới định cư, tăng mức độ đa dạng sinh học của vùng biển.

Công viên Hòa Bình (Đảo Heping)

 Một góc công viên Hòa Bình từ trên cao. (Ảnh: Cục Du lịch Đài Loan)

Một góc công viên Hòa Bình từ trên cao. (Ảnh: Cục Du lịch Đài Loan)

Công viên địa chất đảo Hòa Bình chỉ cách trung tâm thành phố 4km, trải rộng trên 66ha. Nơi đây được ví như một đảo riêng trên chính hòn đảo Đài Loan, Trung Quốc.

Có 3 điểm nổi bật khiến việc tham quan công viên Hòa Bình thú vị vào cả ngày lẫn đêm. Vào buổi bình minh và hoàng hôn, đây là một trong những điểm đón mặt trời mọc và lặn đẹp nổi tiếng nhất vùng lãnh thổ này. Đêm đến trời sao có thể nhìn rất rõ do không bị ảnh hưởng từ ô nhiễm ánh sáng đô thị. Từ công viên nhìn được ra biển Thái Bình Dương với nhiều dãy núi kỳ vĩ. Ba điểm đặc trưng này được biểu tượng hóa, tạo thành logo của công viên.

Chợ đêm Miếu Khẩu và chùa Điện Tế

 Chợ đêm Miếu Khẩu (trái) với dãy đèn lồng đặc trưng và cổng chùa Điện Tế. (Ảnh: Taiwan.net)

Chợ đêm Miếu Khẩu (trái) với dãy đèn lồng đặc trưng và cổng chùa Điện Tế. (Ảnh: Taiwan.net)

Chợ đêm ẩm thực được coi như một đặc sản của Đài Long. Cơ Long cũng không phải ngoại lệ khi sở hữu chợ đêm Miếu Khẩu (Miaokou) ngay khu trung tâm, có 70 món ăn đặc trưng địa phương và du nhập như súp bò guanfu, bánh canh ding bian cuo, kem Shenji pao-pao, mỳ xào mềm Hong Kong, tempura Nhật Bản, súp mực Hàn Quốc…

Chợ đêm Cơ Long nằm ở trung tâm thành phố. Sự phát triển mạnh mẽ của chợ đêm có liên quan nhiều đến chùa Điện Tế ở gần đó. Do có người hành hương đến chùa và nghỉ lại nên người bán hàng rong ăn uống thường tập trung tại đây. Dần dà về sau chợ đêm Miếu Khẩu ra đời và phát triển thành nét văn hóa đặc trưng.

Dãy nhà cầu vồng

 "Dãy nhà Venice" hay "dãy nhà cầu vồng" tại cảng Chính Tân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Dãy nhà Venice" hay "dãy nhà cầu vồng" tại cảng Chính Tân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cơ Long là cảng công nghiệp, phần lớn các mảng màu trong thành phố không mấy bắt mắt. Dãy nhà rực rỡ như Venice (Italy) ở cảng cá Chính Tân trở thành một điểm chụp ảnh nổi tiếng.

Trái ngược với thành phố lâu đời cũng như bến cảng được xây dựng từ năm 1934, dãy nhà mang một vẻ trẻ trung và nổi bật. Phong cách màu cầu vồng ở đây tiệp với logo Keelung mà nhà chức trách chọn để quảng bá du lịch.

Tọa lạc ngay khu vực cảng, điểm chụp ảnh dãy nhà cầu vồng còn có tàu cá mang đặc trưng của thành phố. Du khách có thể dễ dàng đến dãy nhà này từ phần lớn các điểm du lịch phổ biến tại Cơ Long.

Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Hải dương Quốc Gia

 Khu phức hợp khoa học, công nghệ hiện đại dành cho người yêu thích hải dương học. (Ảnh: Cục Du lịch Đài Loan, Trung Quốc).

Khu phức hợp khoa học, công nghệ hiện đại dành cho người yêu thích hải dương học. (Ảnh: Cục Du lịch Đài Loan, Trung Quốc).

Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Hải dương Quốc Gia (NMMST) là một khu phức hợp rộng hơn 500.000m2, bao gồm tòa nhà triển lãm chính, Nhà hát Đại dương và tòa nhà khám phá hải dương khu vực. Tòa nhà này sở hữu hệ thống thông tin về khoa học, công nghệ, hệ sinh thái và văn hóa biển đa dạng.

Khu phức hợp NMMST còn gắn liền với lịch sử Đài Loan, Trung Quốc. Trong quá khứ nơi đây là Nhà máy điện hơi nước Pei Pu, được xây dựng trong thời Nhật thuộc năm 1937. Tòa nhà triển lãm chính vẫn giữ lại nền móng và cấu trúc của nhà máy điện ngày nay./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/co-gi-tai-thanh-pho-cang-xinh-dep-o-phia-bac-cua-dai-loan-post960895.vnp