Những điều tối kỵ cần tránh khi rã đông thực phẩm đông lạnh

Rã đông thực phẩm không đúng cách không chỉ ảnh hưởng đến mùi vị của thực phẩm mà còn không tốt cho sức khỏe, do đó bạn cần nắm được các nguyên tắc cơ bản về an toàn thực phẩm khi rã đông.

(Nguồn: Shutterstock)

(Nguồn: Shutterstock)

Rã đông thực phẩm đông lạnh không phức tạp, tuy nhiên nhiều người trong chúng ta đôi khi làm sai cách, có thể khiến thực phẩm giảm chất lượng, thậm chí nhiễm khuẩn, không tốt cho sức khỏe.

Dưới đây là một số điều tối kỵ bạn không nên làm khi rã đông thực phẩm để đảm bảo an toàn.

Rã đông ở nhiệt độ phòng

Với một số thực phẩm đông lạnh như thịt, cá, hải sản hoặc thực phẩm chế biến sẵn, bạn không nên để chúng tự tan đá ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ đồng hồ vì sau khoảng thời gian này, vi khuẩn sẽ phát triển rất nhanh làm ảnh hưởng tới chất lượng, thậm chí còn làm hư hỏng thực phẩm, gây ngộ độc cho người dùng.

 Không nên rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ đồng hồ. (Nguồn: Shutterstock)

Không nên rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ đồng hồ. (Nguồn: Shutterstock)

Trong giới ẩm thực, dải nhiệt độ từ 4-60 độ C được gọi là “vùng nguy hiểm” vì đây là nhiệt độ thích hợp cho các vi sinh vật phát triển mạnh trên thực phẩm. Trong vòng 2 giờ ở dải nhiệt độ này, vi khuẩn có thể được sinh sôi gấp hàng triệu lần, gây nguy cơ cao ngộ độc thực phẩm.

Rã đông thực phẩm bằng nước nóng

Nhiều người cho rằng rã đông thực phẩm bằng nước nóng sẽ làm tan băng nhanh chóng. Điều này hoàn toàn sai bởi nước ấm sẽ chỉ rã đông được mặt ngoài của thực phẩm, còn bên trong vẫn đông đá.

Do đó, kết cấu thực phẩm bị ảnh hưởng, khó chế biến, trong khi vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng ở mặt ngoài thực phẩm.

Rã đông bằng cách nấu trực tiếp thực phẩm

Nếu bạn cho thực phẩm đông lạnh là thịt, cá hoặc hải sản vào nồi nấu trực tiếp thì thực phẩm sẽ rất khó chín, bạn sẽ phải nấu lâu hơn và khiến những chất dinh dưỡng bị phân hủy gần hết. Không chỉ thế, hương vị thực phẩm cũng giảm độ ngon đi rất nhiều.

Tuy nhiên, có ngoại lệ với các loại rau đông lạnh, bạn nên nấu chúng trực tiếp khi lấy từ ngăn đông ra vì chúng rất nhanh bị nhũn.

Rã đông bằng dầu nóng

Cho trực tiếp thực phẩm đông đá vào dầu nóng rất nguy hiểm vì dầu nóng gặp nước đá lạnh sẽ bắn tung tóe và gây bỏng.

Song cũng có ngoại lệ với nem rán, khoai tây chiên sơ cấp đông. Bạn có thể thả chúng luôn vào dầu nóng để chiên nhưng lưu ý nên để nhỏ lửa và dầu không được quá nóng.

Rã đông bằng lò vi sóng không đúng cách

Chế độ rã đông của lò vi sóng thường mất một khoảng thời gian khá lâu. Nhiều người muốn tăng tốc quá trình này nên đã chọn chế độ làm nóng và ấn nút.

Cách này sẽ làm tan đá nhưng cũng tương tự như khi nấu trực tiếp, thực phẩm sẽ chín rất nhanh trên bề mặt và hoàn toàn sống bên trong.

 (Nguồn: Shutterstock)

(Nguồn: Shutterstock)

Một sai lầm khác nhiều người mắc phải là rã đông bằng lò vi sóng nhưng không chế biến ngay. Cách này rất nguy hiểm vì vi khuẩn sẽ ngay lập tức tấn công và sinh sôi, gây tình trạng ôi thiu thực phẩm nhanh hơn bạn nghĩ.

Cấp đông lại sau khi rã đông

Đôi khi rã đông thực phẩm nhiều hơn nhu cầu, một số người đã cấp đông trở lại chỗ thực phẩm không ăn đến. Điều này tuyệt đối không nên vì thực phẩm khi đã rã đông đã bị giảm chất lượng và rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Việc cấp đông trở lại không ngăn được sự phát triển rất nhanh của vi khuẩn và có thể gây ngộ độc thực phẩm khi sử dụng cho lần tiếp theo.

Tương tự, với những thực phẩm đông lạnh mua ở cửa hàng khi mang về nhà đã bị tan đá thì bạn nên chế biến ngay chứ không nên tiếp tục cho vào tủ đông.

6 cách rã đông thực phẩm an toàn

Rã đông bằng ngăn mát tủ lạnh

Đây là phương pháp đơn giản nhất nhưng mất nhiều thời gian nên bạn phải lên kế hoạch từ 10-12h trước khi chế biến để thực phẩm rã đông hoàn toàn.

Bạn chỉ cần lấy thực phẩm cần sử dụng trong ngăn trữ đông ra rồi cho vào hộp hoặc bát đậy kín để vào ngăn mát tủ lạnh. Với cách rã đông này bạn có thể để thực phẩm trong ngăn mát tủ lạnh thêm 1-2 ngày mà thực phẩm vẫn đảm bảo chất lượng.

Sử dụng nước lạnh

Sử dụng nước lạnh để rã đông là một cách làm hiệu quả để bạn có thể ứng dụng. Cách này giúp thực phẩm phục hồi lại cấu trúc như ban đầu.

 Rã đông thực phẩm bằng nước mát. (Nguồn: foodnetwork)

Rã đông thực phẩm bằng nước mát. (Nguồn: foodnetwork)

Bạn cần bọc thực phẩm trong túi kín không thấm nước, sau đó ngâm vào một cái bát lớn đổ đầy nước mát. Lưu ý thay nước 30 phút một lần cho đến khi thực phẩm được rã đông.

Thời gian rã đông thường kéo dài từ 45 phút-2h tùy theo trọng lượng của thực phẩm.

Thực phẩm khi rã đông xong cần được chế biến ngay để giữ được hương vị.

Rã đông bằng kim loại

Kim loại vốn là chất dẫn nhiệt rất mạnh nên chúng cũng sẽ giúp các tinh thể nước đá tan ra nhanh hơn, giúp bạn rã đông thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, một cách dễ dàng.

Với phương pháp này, bạn chỉ cần đặt thịt hoặc kẹp thịt vào giữa hai vật dụng kim loại có bề mặt phẳng (chẳng hạn hai cái đáy nồi áp vào nhau), sau khoảng 10 phút, miếng thịt dày sẽ tan đá.

Mẹo nhỏ để đẩy nhanh tốc độ rã đông là bạn có thể để đổ đầy nước lạnh vào cái nồi phía trên để tăng sức nặng và độ lạnh dẫn vào miếng thịt, khiến nó tan đá nhanh hơn.

Rã đông bằng lò vi sóng và lò nướng

Với cách rã đông này, bạn cần chọn nhiệt độ thấp nhất ở cả hai loại thiết bị, với lò vi sóng thì có chế độ rã đông, còn lò nướng là khoảng 70 độ C.

Thời gian để rã đông tùy theo khối lượng và loại thực phẩm, bạn có thể cài đặt thời gian từ 5-10 phút để kiểm tra.

 (Nguồn: thedailymeal)

(Nguồn: thedailymeal)

Khi rã đông xong, bạn phải chế biến thực phẩm ngay lập tức để tránh vi khuẩn xâm nhập làm hỏng thực phẩm.

Rã đông với hỗn hợp muối-giấm

Bạn chuẩn bị một tô nước, thêm ít giấm và muối khuấy tan rồi thả thực phẩm đông lạnh vào.

Giấm chứa axit axetic có tác dụng hạ thấp điểm đóng băng của nước, đồng thời phá vỡ các mô liên kết, giúp miếng thịt mềm, rã đông nhanh. Trong khi đó, muối là chất xúc tác cực tốt vừa giúp rã đông nhanh và giúp khử bớt vi khuẩn trên thực phẩm.

Rã đông bằng nước đường ấm

Bạn pha nước theo tỷ lệ 5 nước lạnh và 1 nước sôi để được nước ấm khoảng 40 độ C. Tiếp đó cho 2 muỗng canh đường vào khuấy tan rồi cho thực phẩm đông lạnh vào ngâm.

Phân tử đường và nước ấm sẽ làm tinh thể nước đá trong thực phẩm tan nhanh hơn. Sau khoảng 10 phút, bạn vớt thực phẩm ra để ráo nước là có thể chế biến được ngay.

Lưu ý chỉ nên dùng nước đường ấm rã đông các loại thịt, không nên rã đông hải sản vì đường có thể làm biến đổi hương vị đặc trưng của hải sản./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-dieu-toi-ky-can-tranh-khi-ra-dong-thuc-pham-dong-lanh-post960803.vnp