Hồ tiêu Lâm Đồng vươn xa nhờ sản xuất hữu cơ
Hồ tiêu Lâm Đồng đang dần khẳng định vị thế trên thị trường nhờ chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, phát triển bền vững.

HTX Nông nghiệp Hoàng Nguyên đã thức tỉnh nông dân cần tuân thủ kỹ thuật sản xuất sạch
Một trong những người tiên phong “mở đường” trong phong trào phát triển hồ tiêu hữu cơ ở Tây Nguyên là ông Đặng Tấn Huynh, Chủ tịch HĐQT HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ.
Năm 2016, khi nhận thấy những giá trị vượt trội của hồ tiêu hữu cơ về kinh tế và lợi ích lâu dài đối với sức khỏe, môi trường, ông Huynh đã mạnh dạn liên kết với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà và thành lập HTX Đồng Thuận với 11 thành viên, canh tác trên diện tích 60 ha.
Sau 10 năm phát triển, HTX Đồng Thuận hiện quy tụ 30 thành viên chính thức và gần 15 hộ liên kết, tổng diện tích sản xuất hồ tiêu hữu cơ đạt hơn 130 ha. HTX đang liên kết với nhiều công ty lớn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Ông Đặng Tấn Huynh chia sẻ: “Nhờ quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, hồ tiêu của HTX được mua với giá cao hơn thị trường từ 20-40%, giúp nông dân có thu nhập ổn định, trong đó năm 2025 cao hơn từ 50 triệu đồng/tấn so với sản phẩm thông thường”.
Lâm Đồng từng có thời kỳ hồ tiêu được ví như “vàng đen” mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, hệ lụy của việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học khiến không ít vườn tiêu chết hàng loạt, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế và môi trường. Trong bối cảnh đó, các HTX đã xuất hiện như những người dẫn đường, đưa nông dân thoát khỏi lối canh tác cũ và tiến tới nền nông nghiệp sạch, bền vững.
Điển hình như HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, xã Thuận Hạnh, thành lập năm 2018. Lúc bấy giờ tại địa phương, hồ tiêu chết hàng loạt do bệnh chết nhanh, chết chậm thì việc thành lập HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ đã trở thành "cứu cánh" thay đổi nhận thức cho nông dân trong vùng. Từ 35 thành viên ban đầu, HTX hiện nay đã phát triển lên hơn 200 thành viên, quản lý gần 1.000 ha hồ tiêu hữu cơ. Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, xã Thuận Hạnh cho biết: “Toàn bộ thành viên đều được đào tạo bài bản về kỹ thuật sản xuất theo các tiêu chuẩn USDA, EU, JAS, Canada… HTX có 195,6 ha được chứng nhận hữu cơ quốc tế, mỗi năm xuất khẩu từ 200–300 tấn tiêu chất lượng cao”.
Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, xã Đức An hiện có 65 thành viên với 150 ha hồ tiêu. Trong đó, 100 ha đã đạt các chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA và Rainforest Alliance. Ông Nguyễn Đình Công, thành viên HTX chia sẻ, với 1 ha hồ tiêu hữu cơ, gia đình anh thu được 4 tấn tiêu/năm, mang lại thu nhập cao hơn hẳn trước đây nhờ tham gia chuỗi liên kết.
Lâm Đồng có khoảng 36.000 ha hồ tiêu, lớn nhất cả nước. Trong đó, gần 3.100 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, bền vững, với khoảng 30 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận quốc tế. Thông qua vai trò dẫn dắt của các HTX, nông dân đã nhận ra canh tác hữu cơ không chỉ là bảo vệ đất đai và sức khỏe mà còn là chìa khóa để nâng cao giá trị, tạo ra sự khác biệt và phát triển bền vững cho cây hồ tiêu Lâm Đồng. Và từ những vườn tiêu xanh mướt nơi đất đỏ bazan, một thương hiệu hồ tiêu sạch Việt Nam đang dần vươn xa trên bản đồ nông sản thế giới. Trong hành trình đó, vai trò của các HTX ngày càng trở nên rõ nét. HTX là lực đẩy cho nông dân thay đổi tư duy canh tác, là cầu nối vững chắc với thị trường và là nhân tố tiên phong trong xây dựng thương hiệu hồ tiêu chất lượng cao của địa phương.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/ho-tieu-lam-dong-vuon-xa-nho-san-xuat-huu-co-383125.html