Hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người tâm thần trong đại dịch

Chăm sóc người tâm thần tại Phân khu nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh. Ảnh: KIM CHI

Chăm sóc người bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành một thách thức lớn và là gánh nặng đối với gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, đặc biệt là khi dịch COVID-19 bùng phát. Sự nỗ lực của người thân và cộng đồng giúp họ hòa nhập tốt hơn với xã hội.

Virus SARS-CoV-2 không chừa một ai. Dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều đối tượng F0, F1 phải cách ly tại bệnh viện, tại cơ sở tập trung, tại nhà; trong đó nhiều trường hợp gặp vấn đề sức khỏe tâm thần (SKTT) cần sự hướng dẫn, chăm sóc và hỗ trợ. Những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh, những người hỗ trợ chăm sóc cũng cần được hướng dẫn và trợ giúp...

Cần chăm sóc đặc biệt

Theo TS Lê Minh Công, chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), dịch bệnh và giãn cách xã hội đã khiến số người có vấn đề về SKTT gia tăng. Do giãn cách xã hội nên khó khăn trong kết nối, thay đổi thói quen sống dẫn tới sự gò bó, hạn chế vận động thể chất.

Những thông tin về dịch bệnh và lo sợ bị nhiễm bệnh, khủng hoảng tài chính, khó tiếp cận các dịch vụ y tế và thiếu thốn trong việc được cung cấp các nhu cầu thiết yếu là những nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng. Những yếu tố nguy cơ trên có thể dẫn đến các vấn đề SKTT hay tâm lý như stress kéo dài, trầm cảm, lo âu, ám ảnh… Đặc biệt, đối với những người là F0, F1 sẽ có cảm giác bị cô lập, cô đơn, cảm thấy có lỗi.

Chị Đặng Phương Oanh ở phường 3 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Con trai tôi là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, chuẩn bị làm lễ tốt nghiệp, nhận bằng để đi xin việc. Nào ngờ, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp những tháng qua khiến mọi tính toán đều trì hoãn, cháu bị dương tính với virus SARS-CoV-2. Qua điều trị, cháu đã khỏi bệnh, xuất viện nhưng dịch bệnh khiến cháu căng thẳng, lo âu, mất ngủ và cảm xúc cũng thay đổi thất thường. Cả gia đình phải thường xuyên gọi điện thăm hỏi và nhờ người thân chăm sóc cháu”.

Đợt giãn cách xã hội vừa qua, bà Phạm Thị Hường ở thôn Đông Phước, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cũng “mất ăn mất ngủ”. Con gái lớn của bà năm nay đã hơn 40 tuổi, bị mắc chứng rối nhiễu tâm trí. Vì phải thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu ở đấy” nên bà không thể chăm sóc chu đáo cho con gái mình như trước.

Bà Hường chia sẻ: “Con gái vì chịu đựng nhiều cú sốc trong cuộc sống nên mắc chứng rối nhiễu tâm trí; đã bao lần đi bệnh viện điều trị nhưng không hết hẳn. Những ngày bình thường, cháu được nhân viên y tế, nhân viên xã hội chăm sóc, hướng dẫn luyện tập, uống thuốc, nên không phát bệnh. Đợt dịch này, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, gia đình cách ly với gia đình, thôn xóm cách ly với thôn xóm…; cán bộ, nhân viên y tế rất bận bịu. Cháu ở nhà tuy có người chăm nhưng cuồng chân, đôi lúc lên cơn đập phá, la hét... cần hỗ trợ chăm sóc đặc biệt hơn”.

Dựa vào cộng đồng

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong chăm sóc SKTT dựa vào cộng đồng. Nhiều hoạt động hỗ trợ SKTT theo đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 được triển khai nhằm phát hiện, quản lý và chăm sóc bệnh nhân mới, quản lý tốt số bệnh nhân cũ. Đề án mang ý nghĩa cộng đồng rất lớn, đặc biệt là đối với người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Sở LĐ-TB-XH thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về bệnh tâm thần và chương trình tâm thần cộng đồng cho các cán bộ làm công tác này; truyền thông về SKTT tránh phân biệt đối xử, coi thường và miệt thị người bệnh. Nhờ đó, hơn 2.500 người tâm thần trên địa bàn tỉnh được quản lý tại cộng đồng và sự kỳ thị đã được giảm bớt.

Người bệnh được sự chăm sóc của cán bộ y tế và gia đình, uống thuốc đủ, đều, tỉ lệ tái phát thấp... Công tác phục hồi chức năng đạt được nhiều kết quả khả quan, giúp người bệnh hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm gánh nặng về tinh thần, kinh tế cho bệnh nhân và gia đình họ.

Theo ông Phan Văn Ân, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh, việc tham gia các lớp đào tạo, chăm sóc SKTT trong chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần rất có ích. Qua đó, cán bộ, nhân viên xã hội tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về nguyên nhân của bệnh tâm thần, giúp người nhà và người bệnh không mặc cảm về bệnh tật. Cách loại trừ bệnh tâm thần tốt nhất là chăm sóc người bệnh, giúp đỡ họ ổn định, hòa nhập cộng đồng; tránh xa những hủ tục lạc hậu, như cúng bái, đánh đập, hành hạ người bệnh đểxua đuổi bệnh tật.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/265874/ho-tro-cham-soc-suc-khoe-nguoi-tam-than-trong-dai-dich.html