Hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả 'thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế'. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Ảnh: Đ.Hòa
Thực tế cho thấy, sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như dịch bệnh, biến đổi khí hậu... đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của công nhân lao động và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những ảnh hưởng tiêu cực tới DNTN từ bên ngoài mà ai cũng nhận thấy đó là khi dịch Covid-19 kéo dài trong suốt 2 năm qua và điều này sẽ còn tác động tiếp diễn trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Để đồng hành và chia sẻ với DNTN trong giải quyết các trở ngại từ bên ngoài nhằm tạo động lực phát triển mới, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025”, với mục tiêu bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Chương trình phấn đấu đến năm 2025 nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững. Hỗ trợ phát triển các công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững, góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm. Đối tượng thụ hưởng là những DNTN thực hiện kinh doanh bền vững sẽ được hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bao gồm cả hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững, nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và một số hoạt động khác. Đối với tỉnh Bình Thuận hiện có hàng ngàn DNTN đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực thuộc nhóm đối tượng thụ hưởng có cơ hội tiếp cận từ chương trình này. Đây là trợ lực mới cho khối DNTN phát triển, từng bước vươn tới tầm chuẩn quốc tế, để tự tin hội nhập. Trong chỉ đạo phát triển kinh tế năm 2022, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết, sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát dịch Covid-19. Theo đó, năm 2022, tỉnh sẽ triển khai thực hiện hiệu quả 5 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIV về: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; Phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; Phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số. Đồng thời tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp, du lịch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn đã tin tưởng lựa chọn đầu tư vào Bình Thuận trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, đô thị, do đó trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đồng thời, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đây là những yếu tố và niềm tin vững chắc để kỳ vọng về một bức tranh kinh tế Bình Thuận đột phá, khởi sắc trong thời gian tới. Trước đó, tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNTN được tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, kế toán, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Bên cạnh đó tỉnh còn đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các doanh nghiệp đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu của tỉnh là xây dựng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, phấn đấu số lượng doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm tăng 12,5% để đến năm 2021 toàn tỉnh có khoảng 7.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 4.500 doanh nghiệp hoạt động. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP để đến năm 2021 đạt khoảng 70% và 85% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tạo thêm khoảng 12.000 lao động làm việc. Bên cạnh đó lồng ghép chương trình hỗ trợ doanh nghiệp với các kế hoạch, chương trình công tác của các sở, ban, ngành và địa phương nhằm sử dụng hiệu quả kinh phí, tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính thiết thực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.